Hội họa Trịnh Công Sơn: một cuộc-chơi-tự-dâng-hiến

Trịnh Công Sơn tự họa

"Nghệ thuật là một cuộc chơi một cuộc-chơi-tự-dâng-hiến” (TCS)

Đọc lại những bức thư Van Gogh viết tâm sự cùng người em trai Theo, người em duy nhất trên đời đã luôn giúp đỡ người anh, cả tinh thần lẫn vật chất, để tên tuổi Van Gogh trở thành bất tử. Hai yếu tố tình yêu và cuồng nhiệt với đời sống đã khiến ông nắm bắt được nghệ thuật, một thế giới nghệ thuật đầy say đắm cuồng điên và sáng tạo…“Hội họa không phải là cứ vẽ hình và màu đúng hệt như mắt nhìn thấy, bởi vì trong hiện thực còn có cái gì khác nữa… Màu chính xác tuyệt nhiên không phải là điều quan trọng nhất cần đạt” trong một thư khác lại viết “Càng ngày anh càng tin chắc rằng kiên trì nắm lấy thực tại, vẽ mải mê trong thiên nhiên, đừng đề sẵn ra ý đồ thế này thế nọ như kiểu đo chân đóng giày, thì nhất định sẽ thành tranh”.

Bí quyết của Van Gogh là hãy chân thành với chính lòng mình.

Và Trịnh Công Sơn cũng vậy, đã thật chân thành với lòng mình khi không viết nhạc thì vẽ. Trên đôi tay ngón dài tài hoa của anh như bắt được của trời (mượn chữ của một nhà văn). Không hiếm những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ vẽ tranh hay, từ Victor Hugo, Nhất Linh, Trần Dần, Quang Dũng, Bùi Giáng, Saint Exupery, cho đến Văn Cao, John Lennon, Bob Dylan…Bob Dylan rất gần Trịnh Công Sơn nhiều điểm, thua Sơn hai tuổi (sinh năm 1941, Bob Dylan tên thật là Robert Allen Zimmerman, xuất thân từ một địa phương khiêm tốn, thị trấn Duluth, tiểu bang Minnesota) lời ca đầy chất thơ, và là một họa sĩ: “có những điều trong cuộc sống mà thơ hay nhạc không thể nói hết được. Khi đó sự lên tiếng của hội họa lại rất phù hợp”, Bob giải thích. Phòng Trưng bày Quốc gia Đan Mạch hiện đang triển lãm 40 bức tranh màu nước mang tên The Brazil Series từ 4-4-2010 đến 10-4-2011. những tác phẩm ghi lại cuộc sống, con người và phong cảnh Brazil của Bob Dylan rất thơ mộng, như lời ca thơ mộng của ông trong ca khúc Blowin’ in The Wind (Cuốn bay theo gió – hay như Trịnh Công Sơn: Để làm gì em biết không, để gió cuốn đi …) Yes, ‘n’ how many times must a man look up. Before he can see the sky? (Vâng, phải bao nhiêu lần để ai đó nhìn lên mới thấy được bầu trời xanh thẳm). Có thể xem: http://www.smk.dk/udforsk-kunsten/udstillinger/bob-dylan/

Diễm Xưa

Phải chăng bầu trời xanh thẳm của Huế, Sài Gòn hay Đà Lạt - Blao- Đơn Dương một thời mộng mị đã in dấu trong tranh Sơn không ít, ôi mùa hoa quỳ vàng dại nở rực cả miền đồi hoang vu mà Sơn đã vẽ những nét vẽ đơn sơ trên những lá thư xưa, xưa hơn nữa là vẽ một nét con cá làm dấu ấn một thời dưới chữ ký của mình, và có thể nói bức tranh hoàn chỉnh năm 1963 tại Huế, vẽ Diễm - thời của ca khúc nổi tiếng Diễm Xưa - là khởi đầu cho những tranh sơn dầu khổ lớn về sau này của Sơn, những chân dung thấm đẩm tình yêu, tình bạn …

Trịnh Công Sơn nắm bắt và lột tả khi vẽ chân dung rất tài, bởi vì Sơn thường vẽ những người thân, từ cô cháu bé (nhớ năm 92 qua Canada Sơn đã vẽ đến 2, 3 giờ sáng cô cháu bé ngồi mẫu thật ngoan ngùy), em gái, nhất là những người bạn gái của Sơn, mỗi chân dung là mỗi ghi dấu kỷ niệm… đến chân dung bạn bè, những người bạn Hà Nội vong niên như Nguyễn Tuân,Văn Cao, Thái Bá Vân, Dương Tường …khi tất cả đã thấm rượu sau cuộc hàn huyên, chỉ cần phác vài nét chính, dậm thêm màu đậm nhạt, hoen nhoà đã tỏ lộ ra được cái thần sắc của người đối diện mà đôi khi vẽ kỹ chưa chắc đã có hồn như vậy.

Từ vẽ bút sắt đến pastel, acrylic, màu nước màu dầu Trịnh Công Sơn đã triển lãm chung nhiều lần cùng các bạn hoạ sĩ: với Tôn Thất Văn, Đinh Cuờng tại nhà 47c Phạm Ngọc Thạch từ 4-3 đến 10-3-1988, với Đỗ Quang Em, Đinh Cường tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc, 24 Lý Tự Trọng từ 14-1 đến 24-1-1989, với Đỗ Quang Em, Trịnh Cung tại nhà Hàng Ritz, 333 Trần Hưng Đạo Sài Gòn từ 15-2-1990 đến 2-1-1991, với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại Khách Sạn Nổi Sài Gòn tháng 9-1991 và triển lãm sau cùng với Bửu Chỉ, Đinh Cường tại gallery Tự Do từ 20-8 đến 3-9-2000. Đã được ghi nhận rất nồng nàn bởi những người có uy tín trong sinh hoạt hội họa và phê bình, như Nguyễn Trung đã viết: “hôm nay chúng ta nói về Trịnh công Sơn họa sĩ. Michel Ragon, nhà lý thuyết người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không còn những họa sĩ vẽ chơi (peinture du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm và đã trở than họa sĩ thật thụ” (phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn, Sự phối hợp thú vị của ba tính chất khác nhau, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 5-1-1989) như Huỳnh Hữu Uỷ đã viết: “Trường hợp Trịnh Công Sơn vẫn là đặc biệt, dù không còn gây chút ngạc nhiên nào về việc anh bày tranh trước công chúng. Mấy năm trước, đã có lần tôi thật bất ngờ và đầy kinh ngạc trước bức chân dung anh vẽ người bạn họa sĩ, đội mũ nồi, ngậm ống vố, râu ria xồm xoàm, tất cả đều ánh lên trong màu bạc kim loại kỳ lạ, có thể nhận ra mức độ điêu luyện là cực điểm, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất giữa tất cả các tác giả tôi yêu thích.” (Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 296, VAALA- California xb 2008)

Ðinh Cường trước tranh Trịnh Công Sơn



Và sau cùng là lời phát biểu của Trịnh Công Sơn: “Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại ở sau cùng, khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi’’( Triển lãm hội họa Trịnh Công Sơn - Đinh Cường - Bửu Chỉ, gallery Tự Do). Thật vậy chỉ có nghệ thuật là tiếng nói chung của nhân loại. Hoạ sĩ Chagall năm xưa ghé thăm nhà người bạn ở Georgetown, Washington DC, đã vẽ tặng bạn một bức tranh khảm sành (mosaique), nay nhà người bạn ấy, nơi vùng tôi ở, có ghi tấm bảng đồng nhỏ trước nhà cho khách có thể hẹn vào xem. Trịnh Công Sơn cũng có để lại bức tranh vẽ trên tường lớn tại nhà người bạn ở Huế là Bửu Ý mà Bửu Ý nói đùa ai mua thì phải gở cả bức tường nhà... Nhân triển lãm tranh Trịnh Công Sơn tại khách sạn Morin Huế sau khi xem những tác phẩm chính, những phiên bản, các bạn có thể ghé ngang nhà Bửu Ý xin vào xem bức tranh vẽ trên tường quý hiếm của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ họa sĩ tài hoa của chúng ta, đã sống như một giấc mơ đời hư ảo.

Virginia, ngày Elizabeth Taylor mất 23.3.2011
Đinh Cường