Báo chí Việt Nam hôm 26/3 dẫn lại thông tin từ Hội Nghề cá Việt Nam cho hay hội đã ra văn bản “phản đối” lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của phía Trung Quốc và “động viên ngư dân bám biển sản xuất”.
Văn bản cũng được gửi đến một loạt cơ quan chính quyền gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, và Ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản.
Tin tức không cho biết văn bản có gửi đến phái bộ ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam hay không.
Hồi tuần trước, có tin Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đơn phương thông báo điều chỉnh quy chế cấm đánh bắt cá trên biển có hiệu lực từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8 năm nay. Việt Nam cho rằng lệnh cấm ảnh hưởng đến cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngư dân dứt khoát là họ vẫn đi đánh. Trung Quốc họ có tuyên bố gì nữa thì ngư dân vẫn đi đánh.Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam
Trong văn bản mới đây, Hội Nghề cá Việt Nam “kịch liệt phản đối” hành động đơn phương “hết sức phi lý” của phía Trung Quốc. Gọi việc ban hành quy chế cấm đánh cá trên Biển Đông của phía Trung Quốc là “không có giá trị pháp lý”, hội nhấn mạnh là hành động này “gây cản trở hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam”.
Hội Nghề cá Việt Nam nói thêm rằng việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá như vậy là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ.
Từ Khánh Hòa, ông Võ Thiên Lăng, một phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, khẳng định với VOA rằng hội khuyến khích ngư dân sẽ “đánh bắt cá, hoạt động bình thường” ở Trường Sa, Hoàng Sa:
“Ngư dân dứt khoát là họ vẫn đi đánh. Trung Quốc họ có tuyên bố gì nữa thì ngư dân vẫn đi đánh”.
Chắc chắn bên quân sự là họ có sự phối hợp, kiểm ngư này, cảnh sát biển này, v.v… là họ đều có một động thái để đảm bảo cho an toàn của hoạt động của ngư dân trên biển. Nhưng mà mình tránh đụng độ.Ông Võ Thiên Lăng
Bên cạnh lời phản đối, hội cũng đề nghị các nhà nước Việt Nam “có biện pháp hữu hiệu” để sớm chấm dứt hành động nêu trên của Trung Quốc, nhưng không nói rõ các biện pháp đó có thể là gì.
Một đề nghị khác của hội là chính quyền cần thường xuyên triển khai lực lượng tàu chấp pháp trên biển, tăng cường bảo vệ ngư dân sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó chủ tịch hội Võ Thiên Lăng cho VOA biết thêm:
“Chắc chắn bên quân sự là họ có sự phối hợp, kiểm ngư này, cảnh sát biển này, v.v… là họ đều có một động thái để đảm bảo cho an toàn của hoạt động của ngư dân trên biển. Nhưng mà mình tránh đụng độ. Nhưng mà ngư dân cứ đi đánh thôi, vẫn đánh cá”.
Hồi tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 22/3 cũng đã tuyên bố rằng Việt Nam “phản đối và kiên quyết bác bỏ” quyết định đơn phương của Trung Quốc.
Bà Hằng nói quy chế cấm đánh cá của Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời “vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý” của Việt Nam trên các vùng biển của đất nước Đông Nam Á.