Vì sao ‘Hội nghị hòa hợp văn học’ phá sản?

Bản tin về một sự kiện "chưa từng có": Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”.

Lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch (6/4/2017) đã lặng tăm trôi qua mà chẳng hề hiện ra “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” như hứa hẹn đinh đóng cột của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - ông Hữu Thỉnh. Song cảnh phá sản của một ảo tưởng chính trị chưa bao giờ thành hình lại chẳng có gì đáng kinh ngạc…


Ai là ‘tác giả”?

Ba tháng trước, nhà thơ được tiếng là “cháu ngoan của đảng” đã bất ngờ công bố một kế hoạch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của đảng: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người từng cầm bút phục vụ chế độ cũ (VNCH), về dự “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”.

Khi đó, một video xuất hiện trên mạng xã hội đã tường thuật nguyên văn phát biểu của ông Hữu Thỉnh về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”: “Đây là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí thư có hỏi tôi rằng: Có phải đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không? Tôi trả lời: Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…

Về mặt “đảng lãnh đạo toàn diện”, ý kiến của Tổng Bí Thư Trọng là quan trọng, thậm chí hết sức then chốt, để ông Hữu Thỉnh có được kim bài đứng ra tổ chức sự kiện đặc biệt nhạy cảm chính trị để thu phục những người còn bên kia chiến tuyến.

Nhưng chỉ ít ngày sau thông tin về video trên, lại có dư luận cho rằng dù là một người vẫn được xem là “cầm tay chỉ việc” về công tác tuyên giáo, một nhân vật quá thủ cựu như ông Nguyễn Phú Trọng không phải và không thể là tác giả sáng tạo ra chủ sách đối thoại với tất cả giới văn học hải ngoại. Mà là một quan chức cao cấp khác.

Thậm chí, một số dư luận còn đinh ninh rằng với tính chất cực kỳ nhạy cảm của “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” sự kiện này sẽ không thể nào diễn ra nếu không được các cơ quan công an từ cấp phòng, cục, tổng cục, và đặc biệt là Bộ Công An, cho “bật đèn xanh.” Sống đủ lâu để đủ thấm trải ở Việt Nam, ai cũng thừa biết là chỉ nội công tác rà soát danh sách những nhà văn hải ngoại được mời, đặc biệt là “đối tượng nhà văn chống Cộng,” đã mất thời gian đến thế nào và đòi hỏi phải có được một sự đồng thuận cao trong ngành công an.

Nhưng vì sao “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” bị thất bại - một sự phá sản ít nhất cho đến giờ phút này?

Hoang tưởng

Ở đời, phàm cái gì không thành tâm thì hậu vận chẳng ra sao. “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” là một kiểu như thế.

Ngay sau khi ông Hữu Thỉnh phát ra tuyên bố về “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” khắp các diễn đàn trong nước và đặc biệt ở hải ngoại đã phản ứng như sóng lừng. Rất nhiều ý kiến của nhà văn, nhà báo hải ngoại cho rằng sự kiện này về thực chất chỉ mang tính “cuội.” Họ tung ra một câu hỏi quá khó để trả lời rằng Nghị Quyết 36 của Bộ Chính Trị về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” đã ra đời mười mấy năm trước mà hầu như chưa làm được gì cả, nhưng tại sao đến nay mới sinh ra mới cái cử chỉ như thể “chiêu dụ người Việt hải ngoại” như thế?

Nhiều ý kiến từ hải ngoại cũng thấu tim gan “đảng quang vinh” về chuyện suốt từ năm 1975 đến nay, đảng chỉ quan tâm đến “khúc ruột ngàn dặm” nhằm hút đô la “làm giàu cho đất nước” càng nhiều càng tốt, nhưng ai cũng hiểu là không có đô la thì chế độ không thể nào tồn tại.

Nhưng lại quá hiếm trường hợp trí thức của “khúc ruột ngàn dặm” được đảng ưu ái tạo cho đất dụng võ ở quê nhà. Sau hơn bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” vẫn còn quá nhiều cảnh kỳ thị của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ hải ngoại. Nhiều trí thức hải ngoại ôm mộng trở về Việt Nam để “cống hiến,” nhưng cuối cùng đã phải chua chát biệt ly khỏi “vòng tay của đảng.” Nếu tạm gác lại nhu cầu đô la, “khúc ruột ngàn dặm” đã chẳng có gì khác hơn là “ruột dư.”

Chỉ sau năm 2016, “ruột dư” mới có cơ hội để phục hồi tư cách “khúc ruột ngàn dặm.” Chính vào năm 2016, lượng kiều hối thực gửi về Việt Nam chỉ có 9 tỷ USD, giảm đến 30% so với năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối trong năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5%. Đây cũng là sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 23 năm qua, phát ra một tín hiệu hiển hiện về triển vọng kiều hối về Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ suy thoái, và có thể suy thoái trầm trọng.

Chỉ có điều, chủ nghĩa “lãng mạn cách mạng” cùng tinh thần duy ý chí bất tận của nhà thơ Hữu Thỉnh cùng đảng cầm quyền quên khuấy hiện tình khốn quẫn của dân tộc đã đưa đến hiện thực sống ở trên mây. Ông Hữu Thỉnh có lẽ không thể hiểu được rằng trong các “đối tượng” cần phải chiêu dụ, giới nhà văn người Việt hải ngoại là “khó gặm” đến thế nào. Để cùng lắm, Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ có thể mời được một ít nhà văn hải ngoại “thân nhà nước,” chỉ có ý nghĩa đánh bóng chính thể, nhưng lại hoàn toàn không nổi bật trên diễn dàn văn học hải ngoại và cũng chẳng thể tạo được sức ảnh hưởng nào cho cộng đồng này.

Sát lễ kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch, có tin cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã phát đi trên năm chục thư mời đến các nhà văn hải ngoại. Nhưng lại chẳng có tin gì về hồi đáp từ những người được mời. Nếu đúng thế, hẳn đó là nguyên nhân chủ yếu mà đã khiến “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” không cách nào đủ túc số nhân sự để “gầy sòng.”

Thậm chí cho tới trước ngày kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương, vẫn chẳng thấy bóng dáng công khai nào về các công tác chuẩn bị cho sự kiện được coi là cực kỳ quan trọng trên. Báo chí nhà nước hoàn toàn im lặng và có vẻ còn muốn tránh né việc thông tin về sự kiện này.

Để giống như một cuộc triển lãm ảnh Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu của Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 2/2017 với thành tích “râu ông nọ cắm cằm bà kia,” “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” đã lộ ra như một cái thùng rỗng kêu to, một cái cớ để “chính khách” Hữu Thỉnh xin ngân sách chi xài một hội đoàn mà luôn bị ví như “cánh tay nối dài của đảng,” chỉ quen tiêu tốn tiền đóng thuế của dân và khá là vô tích sự.

Tình hình ngân sách của Hội Nhà Văn Việt Nam cũng bởi thế càng thêm cám cảnh.

Thất bại trong “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học,” Hội Nhà Văn Việt Nam không còn được tiếng là “sáng tạo và dũng cảm,” cũng không còn cơ hội được hưởng một khoản kinh phí không nhỏ được rót từ ngân sách trung ương để làm cơ sở cho sự kéo dài tuổi thọ của “chính khách Hữu Thỉnh” với vai trò chủ tịch hội “cánh tay nối dài của đảng” không biết đến bao giờ mới chấm dứt của ông.

Nguồn cơn nào khác?

Nhưng có thể còn thêm một nguồn cơn thất bại khác dành cho “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học.”

Trong lúc sự kiện trên vẫn lặng như tờ, dư luận xã hội lại nổi sóng với vụ Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đột ngột quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) vào tháng Ba năm 2017.

“Chủ nghĩa xét lại âm nhạc” chăng?

Rất có thể. Và cũng rất giống với phong trào Hồng vệ binh văn hóa văn nghệ ở Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Thậm chí mới đây, ngay cả ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn bị Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quy định phải “xin phép” [Và sau đó đã xin lỗi và … cho phép - VOA]. Rồi đến cả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ tình cảm Nam Bộ của cố soạn giả Cao Văn Lầu cũng đang chịu nguy cơ bị “trảm”…

Vì sao lại hỗn loạn đến thế?

Giờ đây, tình trạng chính trị và kinh tế của đảng cầm quyền là khó khăn hơn bao giờ hết. Sự bế tắc gần như toàn diện như thế đã khiến đang manh nha phát sinh một luồng tư tưởng cùng một số quan chức buộc phải nghiêng dần theo xu hướng “cải cách”. Trong những “cải cách” đó, lần đầu tiên từ sau năm 1975 đã bộc lộ tín hiệu có vẻ đôi chút thực chất về “lấy lòng người Việt hải ngoại”.

Nhưng từ hàng chục năm qua và đặc biệt trong khoảng 5 năm gần đây, xung đột quyền lực trong nội bộ đảng lại là một đặc trưng lớn của chính trường Việt Nam. Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện đã cho thấy trong cuộc xung đột triền miên và ngày càng sinh sát này, giới hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước thường bị đem ra làm vật hy sinh.

Cho đến lúc cả văn hóa cũng bị biến diễn làm vật hy sinh cho những đấu đá chính trị ở thượng tầng chóp bu…

Tình trạng rất phổ biến hiện thời là các nhóm quyền lực vẫn có thể phá nhau và phá đám chủ trương của nhau, bất kể chủ trương đó có lợi cho dân sinh hay nhằm “hòa giải” với người Việt hải ngoại.