Hội nghị quốc tế bệnh AIDS lần thứ 21 bàn về thuốc men, thay đổi xã hội

Các nhà hoạt động quyền dân sự tuần hành ở Durban, Nam Phi, vào lúc hội nghị bệnh AIDS khai mạc hôm 18/7.

Năm ngày dường như là thời gian không đủ dài để có thể mổ xẻ tất cả các đề tài mà các khoa học gia, giới hoạt động và các chuyên gia đang nêu lên tại Hội nghị quốc tế bệnh AIDS lần thứ 21, tại thành phố Durban, Nam Phi.

Phòng chống, cách điều trị tốt hơn, công bằng xã hội và có thể một ngày nào đó, một phương thức chữa khỏi bệnh AIDS. Đó là những đề tài quá rộng lớn để có thể bao gộp trong 5 ngày hội nghị.

Hội nghị Quốc tế Bệnh AIDS đã tiến một bước dài từ năm 1985, khi còn là một cuộc tụ tập quy tụ 2000 nhà khoa học ở Atlanta. Tại hội nghị bệnh AIDS khai mạc hôm thứ Hai 18/7 ở Durban, Nam Phi, cuộc đấu tranh chống dịch bệnh AIDS đã mở rộng hơn chứ không chỉ là một cuộc đấu tranh chống một căn bệnh, mà thêm vào đó, nó còn là một nỗ lực nhằm thay đổi xã hội.

Nhưng khoa học vẫn ngự trị hội nghị, và hàng chục buổi hội thảo phức tạp trong những ngày tới đây nhắm mục tiêu giải mã các vấn đề khoa học phức tạp phía sau HIV, virus gây ra bệnh AIDS.

Ông Edwin Sanders, một nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia Dự án Legacy của Mạng lưới Vắc-xin chống HIV tại bang Tennessee của Mỹ, nói đây là một thời điểm đầy phấn khích để có mặt tại một hội nghị bệnh AIDS. Ông nói:

“Tôi tin rằng một trong những vấn đề hiện nay có thể trở thành một diễn biến đáng kể về mặt đấu tranh chống bệnh AIDS của chúng ta, là cách thức theo đó một số chiến lược mới đang được đề xuất mà theo tôi, có thể đại diện cho một cơ hội để bắt đầu phát triển xa hơn những phương thức chúng ta đang xem xét để tìm cách phát triển những vắc-xin và những cách đáp ứng y sinh học hữu hiệu khác.”

Hội nghị bệnh AIDS được tổ chức tiếp theo sau những tin khoa học tích cực, với các cuộc nghiên cứu đáng khích lệ về việc phòng chống bệnh, cho thấy tiềm năng có thể ngăn chận sự lây lan của virus.

Cơ quan bài trừ bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc mới đây đã ra mắt một kế hoạch 5 năm nhắm chấm dứt dịch bệnh gây tử vong này trước năm 2030.

Kế hoạch có tên "90-90-90" của Liên Hiệp Quốc nhắm các mục tiêu: 90% những người sống với HIV phải biết về tình trạng nhiễm virus của mình, 90% những người xét nghiệm dương tính với virus HIV sẽ được chữa trị, và 90% những người đang được điều trị cho thấy dấu hiệu virus HIV nơi họ đã phần nào bị áp chế.

Kế hoạch này, nếu thành công, sẽ ngăn chận gần 28 triệu ca lây nhiễm HIV mới, và 21 triệu ca tử vong có liên quan tới bệnh AIDS trên toàn cầu.

Tuy nhiên, dịch bệnh AIDS cũng đã phơi bày một số vấn đề xã hội. Ryan Cortes, một nhà hoạt động người Philippines, nói cô vui mừng vì tại đây, cô cảm thấy được chấp nhận trong tư cách là một phụ nữ chuyển giới.

Tuy nhiên, cô nói cô muốn thấy có những quy tắc hướng dẫn cách đối xử với người chuyển giới. Cô Cortes phát biểu:

“Điều mà tôi đang tìm kiếm là cung cấp các chương trình đặc thù cho người nhiễm HIV, liên quan tới người chuyển giới, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Có rất nhiều diễn biến tại các nước đã phát triển, như tại Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng cho tới nay, chưa có gì được mang sang Philippines, hay cả những nước láng giềng kế cận.”

Hội nghị quốc tế bệnh AIDS năm nay còn tập trung vào giới trẻ. Bệnh AIDS giờ đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cái chết của các bệnh nhân tuổi teen ở Châu Phi, sự thể này đã tăng gấp 3 lần con số tử vong do virus HIV gây ra trên toàn thế giới, tính từ năm 2000.