‘Thật’ hay ‘nháp’ tùy thuộc phần lớn vào việc ‘Tổng tịch’ có hiện ra hay không.
Ngày 14/5/2019, sau hơn một tháng kiên định ‘mất tích’ kể từ biến cố có thể là khá ghê gớm về tai biến mạch máu não tại ‘nhà Ba Dũng’ ở Kiên Giang, Nguyễn Phú Trọng được đưa tin kèm hình ảnh về ‘chủ trì lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội’. Có thể cho rằng Trọng đã chính thức tái hiện.
Thông tin ‘mồi’
Trước đó ít ngày, báo đảng bất chợt ồn ào đưa tin về ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29.5’.
Cùng lúc, trên mạng xã hội xuất hiện vài bài viết của giới dư luận viên ‘lề đảng’ về
cùng nội dung Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘trở lại chính trường’ bằng việc ‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29.5’ và sẽ có một bài diễn văn quan trọng khai mạc Hội nghị trung ương 10.
Những động tác thông tin trên mặt báo đảng về ‘Công ước 98’ mang hàm ý và nhằm mục đích gì?
Khả năng có vẻ hợp lý nhất là trước áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, Trọng và Bộ Chính trị đảng đã phải tính đến việc ‘chủ động thông tin’ để định mốc thời điểm ‘tái xuất’ nhằm trấn an dư luận, trên cơ sở sự chẩn đoán của các bác sĩ về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của Nguyễn Phú Trọng là có thể quay về mức bình thường vào cuối tháng 5 năm 2019 khi ông ta sẽ xuất hiện để ‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’.
Mặt khác, rất cần phải cho dư luận, đặc biệt là giới cách mạng lão thành và những quan chức đồng chí của Nguyễn Phú Trọng, biết và hiểu rằng Trọng chỉ bị ‘choáng nhẹ’ (theo cách tung tin của giới dư luận viên) và vẫn còn năng lực sức khỏe để công hiến lâu dài cho đảng và dân tộc chứ không đến nỗi nằm liệt giường liệt chiếu từ đây đến cuối đại hội 12 mà mất hẳn năng lực ứng cử tiếp vào vị trí ‘tổng tịch’ cho đại hội 13.
Những động tác thông tin trên cũng khá phù hợp với những tin tức ngoài lề gần đây về khả năng Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi chậm và vẫn phải ‘tập đi’ và ‘tập nói’.
Thông thường, người bị đột quỵ não lần đầu sẽ phải mất khoảng 6 tháng để tạm phục hồi nguyên trạng, còn sớm cũng phải khoảng 3 tháng. Với trường hợp Nguyễn Phú Trọng, ông ta đương nhiên được chăm sóc hết sức đặc biệt bởi Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương cùng đội ngũ bác sĩ hàng đầu của Việt am về chấn thương sọ não, do vậy thời gian hồi phục của Trọng cũng có thể nhanh hơn những bệnh nhân khác.
Vậy vì sao Công ước 98 lại quan trọng đến thế?
Công ước 98 là gì?
Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
Công ước 98 là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam chây ì từ quá lâu mà chưa chịu ký kết.
Tại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, các nghị sỹ đã đòi hỏi 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).
Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước Liên Minh Châu Âu (EU) về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.
Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.
Còn việc Nguyễn Phú Trọng ‘tái xuất’ tại Hội nghị trung ương 10 của đảng cầm quyền - sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 - có ý nghĩa gì?
‘Làm nháp’ hay ‘làm thật’?
Hội nghị trung ương 10 là đặc biệt cần thiết với Nguyễn Phú Trọng vì những lý do cũ như tính cần kíp phải duy trì chiến dịch ‘đốt lò’, tiếp tục tăng tốc ‘cơ cấu cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị cho đại hội 13, và có thể với những lý do mới hơn là cần có ý kiến chính thức của Trọng về một số dự luật như 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, Bộ Luật Lao động, Luật về Hội… liên quan đến quan điểm của chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ trước EU trước khi EVFTA được ký kết và phê chuẩn trong nửa cuối năm 2019; nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là bàn về nội dung và công tác sắp xếp ‘bầu đoàn thê tử’ cho chuyến đi Mỹ dự kiến sắp tới của Trọng theo lời mời chính thức của Donald Trump.
Hội nghị trung ương 10 cũng có thể là cái cách mà nếu tham dự trọn vẹn, Trọng sẽ không để xảy ra hệ quả ‘vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm’ và nạn ‘loạn thần’ mà dường như đang manh nha phát sinh khá bát nháo ngay sau khi ông ta ‘đột quỵ’.
Hội nghị trung ương 10 là thách thức lớn hơn nhiều so với đám tang Lê Đức Anh, bởi hội nghị này sẽ bàn về về chuyện của những người còn sống sót và rất có thể sẽ ‘làm nhân sự’ cho đại hội 13 với những vị trí then chốt trong ‘bộ tứ’ hoặc ‘bộ tam’ quyền lực nhất - theo kế hoạch trước đây của đảng mà không tính đến rủi ro Nguyễn Phú Trọng bị ‘đột quỵ’.
Nếu Trọng không thể xuất hiện tại Hội nghị trung ương 10, khi đó không chỉ dân chúng mà cả giới cách mạng lão thành và các quan chức trong nội bộ đảng hoàn toàn có thể nghi ngờ về Trọng không thể đảm bảo sức khỏe để ông ta có thể ‘ngồi’ từ đây cho đến khi đại hội 13 diễn ra vào năm 2021. Từ đó, sẽ xuất hiện những đòi hỏi cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này, để nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để ‘lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc’ thì phải bàn đến phương án ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Những động tác thông tin ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29.5’ và ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng họp lãnh đạo chủ chốt vào ngày 14/5’ đã phác ra khả năng Hội nghị trung ương 10 không phải ‘làm nháp’ như một hình thức ‘quy hoạch mang tính tham khảo về Bộ Chính trị cho đại hội 13’, mà gần như chắc chắn sẽ ‘làm nhân sự chủ chốt’ như đã trù liệu trước đó.