Hội sinh viên Nhân quyền Việt Nam, một nhóm sinh viên có ước nguyện cải cách giảng đường và tự do học thuật ở Việt Nam, và nhân quyền cho các sinh viên, trong tuần này công khai tuyên bố thành lập. Trước đó, sáng lập viên của hội, anh Trần Hoàng Phúc đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam về tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Trong một thông báo, Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho biết hội có một số thành viên, cảm tình viên và cố vấn, trong đó nam chiếm 75% và nữ chiếm 25%. Nhưng vì lý do an ninh, hội không công khai danh tính và số lượng thành viên chính thức.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ cư ngụ ở thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người trên thế giới biết tiếng, là cố vấn cho Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam. Ông cho VOA-Việt ngữ biết về bối cảnh ra đời của hội:
“Trước viêc mọi người than phiền, chán nản với hệ thống giáo dục, tôi ủng hộ việc thành lập Hội sinh viên nhân quyền. Các sinh viên hiện đang đi học có thể bị áp lực nhà trường đuổi học, nên mỗi người chọn một mã số để nhà trường và công an không biết tên. Khi các sinh viên thành lập hội, tôi rất vui nhận lời làm cố vấn cho hội.”
Ngoài ra, hội còn tham gia Mạng lưới Sinh viên Nhân quyền Quốc tế (Students for Human Rights network - SHR).
Theo bác sĩ Quế, hội sinh viên nhân quyền và giới trí thức Việt Nam phải lên tiếng về thực trạng nền giáo dục hiện nay:
“Trong đường lối của Bộ Chính trị, giáo dục là nhằm đào tạo công cụ cho chế độ, chứ không đào tạo con người. Giảng viên thì giả vờ dạy, còn sinh viên thì giả vờ học. Họ là nạn nhân của hệ thống quản lý giáo dục, trong đó cán bộ quản lý giáo dục lại là tay chân của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo, và trên cùng là Bộ Chính trị.”
Theo lời bác sĩ Quế, đây là cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giáo dục học đường giữa giới sinh viên, giáo chức với các nhà quản lý giáo dục và giới lãnh đạo Việt Nam.
Một thông báo trên trang Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho biết Trần Hoàng Phúc, người vừa bị công an Hà Nội bắt giữ hôm 3/7, là sáng lập viên, chủ tịch thứ hai, kiêm phát ngôn nhân của Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam.
Bác sĩ Quế nói cá nhân ông và hội sinh viên nhân quyền, ủng hộ các hoạt động tranh đấu ôn hòa của Trần Hoàng Phúc, nhà hoạt động 23 tuổi đang bị giam cầm:
“Hội mạng mẽ lên tiếng trường hợp sinh viên Trần Hoàng Phúc vừa bị bắt ở Hà Nội chỉ vì lên tiếng về các vấn đề xã hội, giáo dục. Tôi đánh giá rất cao anh Phúc.”
Thông báo cho biết từ đầu năm 2016, Trần Hoàng Phúc có ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập để làm đối trọng với Hội sinh viên Việt Nam ‘quốc doanh’ do nhà nước quản lý. Anh cho rằng cần phải có một hội sinh viên độc lập để bảo vệ quyền lợi sinh viên, nhất là những sinh viên bị oan ức hoặc bị giảng viên trù dập.
Chủ tịch thứ hai kiêm phát ngôn nhân Trần Hoàng Phúc là người thiết kế chương trình hành động cho Hội sinh viên nhân quyền Việt Nam cho đến năm 2020. Đồng thời anh là trưởng ban ngoại giao, chuyên đi liên lạc với các tổ chức khác. Phúc nói với các bạn của anh rằng anh có thể bị bắt vì vai trò của mình, tuy nhiên chương trình đã thiết kế cho Hội sinh viên nhân quyền có thể hoạt động kể cả khi không có mặt của anh, thông báo viết tiếp.
Các trang thông tin trên Facebook cho biết Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, “đã học hết năm cuối khoa luật, trường đại học luật tp.HCM. Vì dấn thân hoạt động dân chủ nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.”
Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng kiến lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama sáng lập. Hồi tháng Năm, 2016, trong tư cách thành viên chính thức của YSEALI, Trần Hoàng Phúc nhận thư mời tham dự giao lưu với Tổng thống Obama khi ông ghé thăm Sài Gòn. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã ngăn cản, không cho Phúc tham dự.
Trong báo cáo nhân quyền 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng về việc Hoàng Phúc bị câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ liên tiếp, chỉ vì muốn tham dự một sự kiện do nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mời.
Your browser doesn’t support HTML5