Một hội thảo trực tuyến về dân chủ toàn cầu hôm 7/12 với sự tham gia của các chuyên gia gốc Việt nhằm đóng góp ý tưởng cho Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ do Hoa Kỳ đăng cai tổ chức vào cuối tuần này.
Hội thảo có tên “Dân chủ cho Việt Nam: Trở ngại và Cơ hội” được trình bày bằng tiếng Anh, nằm trong chuỗi một diễn đàn quốc tế trực tuyến kéo dài 24 giờ, với tên gọi Liên minh Toàn cầu vì Dân chủ, thông qua sự điều phối triệu tập của Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử, còn gọi là IDEA International.
Mục đích của diễn đàn Liên minh Toàn cầu vì Dân chủ là “kích hoạt một cuộc trò chuyện toàn cầu về dân chủ”. Các vấn đề được trình bày sẽ được gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ do Hoa Kỳ chủ trì từ ngày 9-10/12, theo IDEA International, một tổ chức liên chính phủ, chuyên hỗ trợ các quốc gia trên toàn cầu xây dựng một nền dân chủ bền vững.
Bốn đề tài được thảo luận có liên quan đến Việt Nam bao gồm: Khuôn khổ Hiến pháp cho Tương lai Dân chủ; Tiếng nói của nhân dân: Trưng cầu dân ý về Biển Đông; Liên minh của một thế giới: Tố cáo tội ác diệt chủng của nước láng giềng; Bảo đảm của một quốc gia: Quyền con người để đảm bảo và bảo vệ nền dân chủ
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nhất Thiện, Chủ tịch Viện Việt Nam Dân chủ, hiện là giáo sư trường Cao đẳng Dịch vụ công thuộc Đại học Houston-Downtown, nêu tóm lượt bài phát biểu của ông tại hội thảo:
“Hiến pháp Việt Nam, trên de Jure (trên lý thuyết, giấy tờ), người dân có quyền bầu cử, tự do ngôn luận, tín ngưỡng, nhưng trên de Facto (trên thực tế, thực hành) theo nghiên cứu của tôi thì thật sự không cho người dân có tiếng nói. Về tự ngôn ngôn luận và tụ tập, Chương 25 có nói, nhưng thực tế trong các cuộc biểu tình vừa qua, cả 100 người đã bị đưa vào tù, trong đó có Will Nguyễn từ Mỹ, bị đánh trọng thương vào đầu và sau đó bị tống xuất về Mỹ.
“Những gì de Jure họ nói trên giấy tờ rất hay nhưng những gì họ thực hành thì hoàn toàn ngược lại với hiến pháp của họ.”
“Hai năm về trước chúng tôi đã soạn một mô hình hiến pháp cho một Việt Nam dân chủ, trong đó có nêu ba điều kiện rất vững để hiến pháp được thực hành de Facto: bầu cử, sự vững chắc trong sửa đổi hiến pháp, và trưng cầu dân ý.”
“Nhân quyền là một công cụ quan trọng để Đảm bảo và Bảo vệ Nền dân chủ,” là tiêu đề bài tham luận của ông Phan Thông Hưng, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Uỷ ban Ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5.
Ông Hưng nói:
“Dân chủ và nhân quyền rất cần thiết để trao quyền lực, tiếng nói và sự lựa chọn để cải thiện điều kiện sống của cho những người sống trong cảnh nghèo đói và bị áp bức. Ủng hộ dân chủ và nhân quyền đóng một vai trò cơ bản trong việc chống lại chống áp bức, xây dựng nền dân chủ và giảm nghèo ở tất cả các khía cạnh của nó.
“Nền dân chủ của Việt Nam cần được hướng dẫn bởi các nguyên tắc nhân quyền phổ quát, phụ thuộc lẫn nhau và không thể bị chia cắt để tranh thủ được sự tin tưởng và hỗ trợ từ nước ngoài và cộng đồng quốc tế”.
Ông Phạm Văn Oanh, ở bang Minnesota, thành viên của Diễn đàn Thắng Nghĩa, nói với VOA về nội dung chính bài tham luận của ông:
“Đây là một cơ hội rất tốt để được trình bày với các vị lãnh đạo của thế giới tự do. Kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý nói lên nguyện vọng của người dân Việt Nam vì họ phải đối diện với những căng thẳng liên tục, sự hung hăng xâm lấn của nước láng giềng Trung Quốc.
“Trong những thập niên qua chúng ta thấy quân đội của Trung Quốc đã nhiều lần tấn công những người lính Việt Nam đang bảo vệ các hòn đảo và các cơ sở tại vùng Biển Đông. Họ cũng cưỡng chiếm bất hợp pháp những phần lãnh thổ và cơ sở của người Việt, giết chết những ngư dân đánh cá vô tội của Việt Nam.
“Hiện nay người dân Việt sống dưới chế độ Cộng sản, không được phát biểu những gì ngược lại chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, trước họa xâm lăng đó, vẫn có hàng ngàn người Việt can đảm xuống đường biểu tình, nhưng rất nhiều người trong số đó đã bị bắt bớ, tù đày chỉ vì cái tội yêu nước.
“Đã có khoảng 86 hội đoàn khắp nơi trên thế giới đứng ra bảo trợ và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, với câu hỏi “Chúng ta có nên kiện Trung Quốc vì sự cưỡng chiếm của họ ở Biển Đông trước tòa án quốc tế?”, kéo dài từ tháng 5-8 năm 2020 trong đó 1.2 triệu người Việt trả lời và 95% muốn kiện Trung Quốc. Tỷ lệ đồng ý cao nhất là ở những người Việt tại Hà Nội và ở những tỉnh, thành lân cận với Trung Quốc.
“Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này cho thấy rõ ràng sự nhắm mắt làm ngơ của giới lãnh đạo Hà Nội, không phản ánh được nguyện vọng của người dân. Kết quả trưng cầu dân ý này không chỉ là nguyện vọng của người Việt, mà còn là nguyện vọng của cả nhân loại, họ mong muốn có được một chính quyền, một thể chế dân chủ thực sự, trong đó những người lãnh đạo được tuyển chọn hay bầu lên có lắng nghe và thực thi nguyện vọng của đa số người dân.”
Từ Houston, Texas, Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Điều phối viên của Liên minh vì Dân chủ Việt Nam, nói với VOA về phần phát biểu của ông:
“Đó là cuộc vận động của một liên minh để lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc về tội ác của họ, đặc biệt là tội diệt chủng ở Tân Cương.
“Tôi nghĩ rằng một nước Việt Nam dân chủ thì cần liên minh với các nước tự do dân chủ khác để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa toàn trị tại châu Á và các nơi khác trên thế giới.
“Chúng ta cứ nhìn vào cái hành xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân tộc ở Tân Cương và Tây Tạng để hình dung một thế giới dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Chúng tôi tin rằng việc xây dựng một liên minh chống lại tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một phần trong việc bảo vệ nền dân chủ.
“Một nước Việt Nam dân chủ cần liên minh với các nước tự do và dân chủ khác ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa toàn trị ở châu Á và phần còn lại của thế giới. Chúng ta cần phải nhìn vào cách đối xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng để hình dung thế giới dưới sự kiểm soát của Trung Quốc”.
“Chúng tôi đã dẫn đầu một liên minh gồm hơn 160 tổ chức quốc tế để liệt Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia,” ông Hưng phát biểu.
Hội thảo nhận định rằng trong vài thế kỷ gần đây, nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về quyền con người với nền chính trị dân chủ tập trung vào tiếng nói của người dân, có sự kiểm tra và cân bằng.
Hội thảo kết luận: “Trong thế giới chủ nghĩa đa phương ngày nay, chúng ta nói về quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, tự do tôn giáo, và quyền tự quyết. Và nhân quyền là một thành phần quan trọng để thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam.”