Hơn 170 nước ký thỏa thuận khí hậu lịch sử

Tổng thống Pháp Francois Hollande ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 22/4/2016.

Hơn 170 quốc gia hôm thứ Sáu đã ký kết một thỏa thuận nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và làm chậm những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên hành tinh.

Thỏa thuận đạt được tại Paris vào cuối năm ngoái, nhưng mới được đưa ra ký kết hôm thứ Sáu vào Ngày Trái Đất.

"Chúng ta đang chạy đua với thời gian," Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo. "Cửa sổ để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức hai độ C, huống hồ là 1,5 độ, đang nhanh chóng khép lại. Thời đại của sự tiêu thụ bất chấp những hậu quả đã chấm dứt."

Ông nói các nước phải tăng cường nỗ lực loại trừ carbon khỏi nền kinh tế của mình và kêu gọi hỗ trợ những nước đang phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp này.

Những nước phát thải lớn nhất

Những quốc gia ký kết thỏa thuận chiếm hơn 93 phần trăm lượng phát thải khí nhà kính của hành tinh. Đây cũng là con số các nước ký kết ngày đầu tiên lớn nhất cho bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào.

Hai nước phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ, chiếm khoảng 40 phần trăm lượng phát thải, đều kêu gọi sớm thi hành thỏa thuận này.

Điều này sẽ đòi hỏi 55 quốc gia đại diện cho 55 phần trăm lượng phát thải toàn cầu ký kết và sau đó phê chuẩn thỏa thuận. Vào ngày thứ Sáu, 15 quốc gia, chủ yếu là những quốc đảo nhỏ, đã đệ trình phê chuẩn của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ cho biết nước ông có kế hoạch ký thỏa thuận này trước hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra vào tháng 9 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.

Ngoại trưởng John Kerry, người thay mặt chính quyền Obama ký, cũng nói rằng Mỹ định chính thức gia nhập Thỏa thuận Paris trong năm nay.

"Sức mạnh của thỏa thuận này là cơ hội mà nó tạo ra," ông Kerry nói. Ông lưu ý rằng đầu tư vào những loại năng lượng tái tạo đang ở mức cao nhất mọi thời đại và lần đầu tiên từ trước tới nay, thêm nhiều tiền của thế giới được chi cho những công nghệ năng lượng tái tạo thay vì những nhà máy nhiên liệu hóa thạch mới.

"Hôm nay chúng ta biết rằng: Tương lai năng lượng mới, những hiệu năng, những nguồn năng lượng thay thế, những lựa chọn sạch, không có thứ gì mà chúng ta phải đạt được là vượt quá khả năng công nghệ của chúng ta. Câu hỏi duy nhất là liệu nó có vượt quá quyết tâm tập thể của chúng ta hay không," ông Kerry nói thêm.

Ngoại trưởng Kerry ký thỏa thuận với cháu gái bé bỏng ngồi trong lòng ông, củng cố ý niệm rằng thỏa thuận khí hậu này sẽ ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, người đang đối mặt với tiến trình luận tội ở nhà, tham gia lễ ký kết hôm thứ Sáu.

"Tất cả những nguồn năng lượng tái tạo được sẽ chiếm cơ cấu lớn hơn trong tổng nguồn năng lượng của chúng tôi, chiếm đến 45 phần trăm đến năm 2030," bà cho biết. Bà nói chính phủ cũng đang làm việc để khôi phục 12 triệu hectare rừng và 15 triệu hectare đất vùng nông thôn.

Những người ủng hộ

"Chúng ta có thể chúc mừng nhau ngày hôm nay nhưng nó sẽ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì nếu quý vị quay trở về nước của quý vị và không xúc tiến vượt ra ngoài những lời hứa của thỏa thuận lịch sử này," diễn viên Hollywood và nhà hoạt động môi trường Leonardo DiCaprio nói với các nhà lãnh đạo. "Bây giờ là lúc phải có hành động táo bạo chưa từng có."

Hindou Oumarou Ibrahim, một đại diện xã hội dân sự từ Chad, hối thúc những nước phát triển mở rộng tài trợ cho những biện pháp thích nghi, nói rằng không có nó, "sẽ chẳng còn ai để thích nghi."

Bà cảnh báo rằng người dân sẽ trở thành người tị nạn khí hậu khi cây trồng và vật nuôi của họ dần biến mất. "Biến đổi khí hậu làm tăng thêm nghèo túng mỗi ngày."

Dù các nhà lãnh đạo chúc mừng nhau ký tham gia Thỏa thuận Paris, họ dường như không nhận thấy sự trớ trêu của lượng phát thải mà họ tạo ra từ việc du hành từ khắp nơi trên hành tinh tới tham dự buổi lễ hôm thứ Sáu.

Những điểm chính của thỏa thuận

Mục đích: Mục đích dài hạn là bảo đảm sự tăng nhiệt toàn cầu vẫn thấp dưới 2 độ C và theo đuổi những nỗ lực nhằm hạn chế sự tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C.

Mục tiêu: Các nước nhất trí với những mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính mỗi năm năm. Những nước phát triển dự kiến sẽ cắt giảm phát thải của họ; những nước đang phát triển được "khuyến khích" làm như vậy.

Sự minh bạch: Không có hình phạt cho những nước không đạt được mục tiêu phát thải của mình. Nhưng thỏa thuận này có những quy tắc về sự minh bạch để khuyến khích các nước tuân hành.

Tiền: Thỏa thuận kêu gọi những nước giàu có tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp những nước nghèo giảm lượng phát thải của họ.

Những quần đảo nhỏ: Thỏa thuận này bao gồm một phần công nhận "tổn thất và thiệt hại" gắn liền với những thảm họa liên quan tới khí hậu, được xem là chiến thắng cho những quốc gia nhỏ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng lên.