Tuần trước, ông David S. Cohen, Thứ trưởng Tài chính đặc trách khủng bố và tình báo tài chính, một lần nữa lại cảnh báo công nghiệp hàng hải Á Châu rằng giao dịch với Công ty Hàng hải nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, còn gọi tắt là IRISL, là vi phạm luật quốc tế.
Họp với các đại diện công nghiệp ở Hong Kong, ông Cohen nêu tên 19 chiếc tàu mà ông nói là công ty Iran đã đặt tên lại và chuyển quyền sở hữu cho các công ty mang vỏ bọc địa phương để che dấu lai lịch.
Bà Claudia Rosett thuộc Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, một học viện được sự tài trợ của các nhà hảo tâm tư nhân và chính phủ Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về khủng bố. Bà đã điều tra các biện pháp trừng phạt công ty Iran, vượt qua các phương pháp thông thường bằng cách sử dụng hồ sơ của Cục Hải dương Hong Kong.
Bà Rosett nói: “Ta bắt đầu thấy điều thực sự là một mạng lưới toàn cầu đáng kể của các công ty bề ngoài, các tập tục giả dối vân vân mà Iran đã tìm cách tránh né chế tài trong việc vận chuyển thương mại của họ.”
Bà Rosett cho biết một chiếc tàu trước kia của IRISL nay đăng ký với một công ty vỏ bọc Hong Kong thậm chí còn được đặt tên lại là 'The Alias' (Bí danh).
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo rằng bất kỳ tổ chức nào giao dịch với IRISL – hay thậm chí một trong các thực thể của công ty này được đăng ký lén lút – sẽ bị coi là hỗ trợ cho việc ngăn cản các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, các đại diện của công nghiệp hàng hải Hong Kong nói họ không có đủ nguồn lực để theo dõi một trong các cảng nhộn nhịp nhất thế giới, mà gần nửa triệu chiếc tàu và 268 triệu tấn hàng đi qua mỗi năm.
Các đại diện công nghiệp nói họ cần có tình báo phụ trội để giữ IRISL ở ngoài phạm vi Hong Kong và ngăn cho công cuộc làm ăn của họ không bị hoen ố một cách bất công.
Ông Arthur Bowring là giám đốc điều hành Hiệp hội Chủ tàu Hong Kong. Tổ chức của ông gồm các nhà bảo hiểm, các công ty tiếp liệu dầu, các giới chức cảng và các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải khác.
Ông Bowring cho biết: “Có nhiều thông tin rất mơ hồ. Đây là một ổ mìn cho các nhà vận hành; một thiên đàng cho các luật sư về nhiều phương diện.”
Ông Bowring nói công nghiệp hàng hải cam kết tôn trọng các biện pháp chế tài đối với Iran đã được gộp vào luật của Hong Kong hồi tháng 6 vừa qua.
Nhưng ông nói các thành viên của ông không phải là chuyên gia tình báo và chưa bị Washington yêu cầu tiên đoán công ty nào có thể làm bình phong cho IRISL.
Ông Bowring nói: “Nó gây khó khăn cực kỳ cho các chủ tàu, là những người không muốn mua bán với Iran. Tuy nhiên họ bị bắt gặp mang mối liên hệ này.”
Ông Bowring thừa nhận rằng các hãng tàu lo lắng về việc gặp rắc rối với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, một quan điểm mà bà Rosett thông cảm.
Bà Rosett nói: “Tôi áng chừng chính phủ Hoa Kỳ không có ý dọa nạt mọi người mà chỉ muốn nêu ra rằng Iran đang lợi dụng dịch vụ của công đồng doanh nghiệp sống động và tuyệt hảo của Hong Kong...Vấn đề thực sự là về phía Iran.”
Ông Cohen cũng họp với 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc và cảnh báo rằng họ có thể bị chế tài nếu họ giao dịch với các cơ chế tài chính của Iran có liên hệ với chương trình hạt nhân của Iran. Một người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó tuyên bố không có công cuộc làm ăn nào của Trung Quốc với Iran vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Trong năm vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã tìm cách siết chặt các biện pháp hạn chế đối với một công ty hàng hải của Iran bị cáo buộc là giúp Tehran thu thập chất liệu cho chương trình hạt nhân của họ. Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã giúp xác định các tàu hoạt động dưới trướng của công ty Hàng hải nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và không cho các tàu này cập vào các cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Biện pháp này kém hữu hiệu hơn ở châu Á. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Ivan Broadhead tường thuật về áp lực đối với các công ty hàng hải địa phương đòi phải siết chặt các quy định và trục xuất các công ty bị chế tài.