Một tòa án Hong Kong hôm 23/12 cho phép tỷ phú truyền thông Jimmy Lai được tại ngoại hầu tra với số tiền thế chân lên tới 10 triệu đô la Hong Kong – tương đương với 1,3 triệu USD, theo Reuters.
Ông Lai là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng nhất bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, ông bị tình nghi thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Kháng cáo lập tức của cơ quan công tố bị khước từ trong cùng ngày.
Ông Jimmy Lai là một trong những cư dân của Hong Kong, trung tâm tài chính của thế giới, phê bình Bắc Kinh gay gắt nhất, và nhóm Next Media của ông được coi là một trong những thành trì còn sót lại của tự do báo chí.
Ông bị bắt vào tháng 8 năm nay, khi 200 nhân viên cảnh sát đột kích tòa soạn của báo Apple Daily của ông.
Ông Jimmy Lai, 73 tuổi, bị giam giữ từ ngày 3/12, ông còn bị cáo buộc về tội gian lận liên quan đến hợp đồng thuê một tòa nhà nơi đặt trụ sở của Apple Daily.
Luật an ninh quốc gia trừng phạt các tội danh được Bắc Kinh định nghĩa rộng rãi để bao gồm tội ly khai, âm mưu lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài. Các tội danh này đều đi kèm với mức án tối đa là tù chung thân. Luật an ninh quốc gia bị phương Tây và các nhóm nhân quyền lên án như một công cụ để trấn áp những tiếng nói bất đồng tại Hong Kong, đặc khu bán tự trị do Trung Quốc kiểm soát.
Chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh cho rằng luật này là cần thiết để bịt các lỗ hổng về an ninh quốc gia bị phơi bày sau nhiều tháng biểu tình bạo động chống chính phủ và chống Trung Quốc, làm rung chuyển Hong Kong hồi năm ngoái.
Theo luật mới, bên bị phải chứng minh họ không phải là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nếu được tại ngoại. Ngược lại, theo hệ thống pháp luật dựa trên thông luật của Hong Kong, thì bên truy tố mới có trách nhiệm phải chứng minh những cáo buộc của họ.
Theo các điều khoản tại ngoại, ông Jimmy Lai không được phép gặp các quan chức nước ngoài, trả lời phỏng vấn, đăng bất kỳ bài báo nào, hoặc tải bài nào lên mạng xã hội. Ông sẽ phải ở nhà và giao nộp giấy tờ thông hành để đi lại.
Trước đây, nhà tài phiệt thường xuyên lui tới Washington, gặp gỡ các quan chức Mỹ, kể cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, để vận động sự ủng hộ cho nền dân chủ Hong Kong, khiến ông bị Bắc Kinh gọi ông là "kẻ phản bội".