HRMI: Chất lượng cuộc sống tốt hơn nhưng người dân Việt Nam có ít tự do

Cảnh sát dẹp người biểu tình xung quan hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội ngày 10/6/2018. Việt Nam HRMI xếp ở mức "tệ" về các quyền tự do dân sự và chính trị.

Một báo cáo thường niên của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) mới được công bố cho thấy Việt Nam có tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhưng vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực về mức độ tự do dân sự và chính trị.

Báo cáo của tổ chức có trụ sở tại New Zealand, được thành lập bởi một nhóm các nhà nghiên cứu và thực hành nhân quyền, đánh giá tình trạng thực thi quyền con người ở các quốc gia trên thế giới dựa trên tổng số 13 quyền, được phân chia thành 3 chỉ tiêu chính, gồm chất lượng cuộc sống, sự an toàn trước nhà nước, và sự trao quyền cho người dân.

Việt Nam đạt được 5,3 trong tổng 10 điểm về “an toàn trước nhà nước”, trong đó HRMI đánh giá rằng các quyền không bị bắt tùy tiện, kết án tử hình cũng như tra tấn và đối xử tồi tệ đều ở mức “tệ” ở Việt Nam.

“Điểm số An toàn trước Nhà nước của Việt Nam là 5,3/10, cho thấy nhiều người không được an toàn trước một hoặc nhiều hành vi sau: bắt tùy tiện, tra tấn và đối xử tồi tệ, cưỡng bức mất tích, hành quyết ngoài tố tụng,” HRMI viết trong báo cáo công bố hôm 22/6.

Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hồi tháng 4 nói rằng chính phủ Việt Nam bắt và giam giữ tùy tiện các tù nhân chính trị cũng như đối xử và trừng phạt tàn bạo đối với họ. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc hồi đầu năm nay đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các vụ bắt và giam giữ bị cho là “tùy tiện” đối với một loạt các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền.

Đánh giá về mức độ trao quyền dân sự và chính trị cho người dân, HRMI xếp Việt Nam ở mức “tệ” với các quyền tự do hội họp và hiệp hội, tự do quan điểm và biểu đạt, và tham gia chính phủ.

“Điểm số Trao quyền của Việt Nam là 3,0/10, cho thấy nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và chính trị (tự do ngôn luận, hội họp và hiệp hội, và các quyền dân chủ),” HRMI viết trong báo cáo.

HRMI cho biết rằng do không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nên tổ chức này không thể đối chiếu theo khu vực về các quyền dân sự và chính trị. Tuy nhiên, so với 37 quốc gia khách được HRMI khảo sát, Việt Nam “đang thực hiện tệ hơn mức hình thường về các quyền về trao quyền.”

Những người có nguy cơ cao bị tước đoạt các quyền được an toàn trước nhà nước và trao quyền đứng đầu là những người bảo vệ nhân quyền, tiếp theo là những người có liên quan đến các tổ chức chính trị tôn giáo, nhà báo và người hoạt động công đoàn. Trong số hơn 30 nước được HRMI khảo sát, Việt Nam đứng thứ 4 từ dưới lên, chỉ trên Hong Kong, Ả Rập Saudi và Trung Quốc.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) thống kê được ít nhất 63 người bị chính quyền Việt Nam tống giam trong năm qua chỉ vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam thứ 3 thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ.

Việt Nam thường bị các tổ chức quốc tế và các chính phủ phương Tây chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã nhiều lần nhắc lại quan điểm rằng Việt Nam luôn “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Theo HRMI, một sáng kiến được khởi xướng từ năm 2016, mặc dù chất lượng cuộc sống nhìn chung được cải thiện ở Việt Nam, trên mức trung bình cho việc được chăm sóc y tế, có nơi ở, và mức “tốt” cho việc có công ăn việc làm, nhưng quyền tiếp cận được thực phẩm ở quốc gia Đông Nam Á bị đánh giá ở mức “rất tệ” so với mức thu nhập bình quân đầu người 2,786 USD vào năm 2020, theo dữ liệu mà HRMI thu thập.

Dữ liệu đo lường nhân quyền về chính trị và dân sự của HRMI được thu thập qua các khảo sát đa ngôn ngữ và được soạn thảo bởi những chuyên gia trong lĩnh vực này. Thông qua việc đánh giá nhân quyền, tổ chức này đang làm sáng tỏ những vì đang thực sự diễn ra cũng như đưa ra cho các chính phủ một sự đánh giá để khích lệ việc đối xử tốt hơn với người dân của họ.