Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 11/1 nói rằng chính phủ Việt Nam trong năm 2023 đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
HRW đưa ra đánh giá trên trong báo cáo tổng kết toàn cầu 2024 về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có phần tổng kết tình hình tại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập, đồng thời xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập, HRW nói thêm.
“Chính phủ Việt Nam đã cố gắng biện hộ rằng mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như là một giải pháp thay thế cho việc giải quyết tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW nói trong một thông cáo.“Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ cho Việt Nam chớ mở đường cho các các tiêu chuẩn kép trắng trợn vì các tiêu chuẩn kép này làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình”.
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị căn bản một cách ôn hòa, vẫn theo HRW.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tòa án Việt Nam kết án ít nhất 28 nhà tranh đấu nhân quyền với mức án tù dài hạn, HRW cho biết, đồng thời dẫn ra các bản án đối với các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Ngoài ra, HRW nói rằng công an đã tạm giam ít nhất 19 người khác với cáo buộc “có động cơ chính trị”, trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, với việc kết án 3 năm tù đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng về tội “trốn thuế”, hay trường hợp ông Đặng Đình Bách được cho là bị giám thị trại giam đánh đập sau khi ông thuật chuyện ông bị sách nhiễu trong tù với gia đình, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
HRW bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực buộc các nhà mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung.
Bà Lê Thị Bình ở Cần Thơ, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời là em của nhà hoạt động Lê Minh Thể đang thụ án 2 năm 6 tháng tù về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, nhận xét với VOA về tình hình vi phạm quyền tự do phát biểu tại Việt Nam:
“Tự do ngôn luận và tự do phát biểu tại Việt Nam là không có. Rất rất nhiều người, trong đó có anh Lê Minh Thể, và tôi, bị đi tù vì những án ‘mơ hồ’ như Điều 331 hay Điều 117, đề cập đến điều luật ‘Truyên truyền chống nhà nước’ của Bộ Luật Hình sự”.
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế thường lên án các điều luật trên của Việt Nam, cho rằng chúng được sử dụng như công cụ để bịt miệng các tiếng nói bất đồng ôn hòa. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Trong đánh giá mới nhất về tình hình tự do tôn giáo, HRW nêu ý kiến: “Chính quyền Việt Nam giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Các thành viên của các nhóm này bị đấu tố trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa xét xử bất công”.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn tiếp tục chỉ định Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, nhưng hôm 11/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối. Phía Việt Nam yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân”.