Tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ tất cả các cáo buộc và phóng thích sinh viên Phan Kim Khánh trước khi diễn ra thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu -Thái Bình Dương (APEC) vào đầu tháng tới.
Trong thông cáo báo chí ngày 24/10, HRW còn yêu cầu các nhà tài trợ và giới lãnh đạo thế giới hãy đòi chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước hội nghị quan trọng này.
“Chính quyền Việt Nam sẽ sử dụng APEC như một sân khấu cho thấy mọi thứ đều tốt đẹp ở Việt Nam: Kinh tế đang phất lên, con người hạnh phúc, chính quyền có trách nhiệm với người dân… tất cả hình ảnh đẹp mà Việt Nam muốn thuyết phục các lãnh đạo thế giới tin rằng đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, nói với VOA tối 24/10.
Đại diện của HRW nói APEC không chỉ là cơ hội cho chính quyền Việt Nam, mà còn là cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, và không nên để Việt Nam sử dụng sự kiện APEC như một diễn đàn để tuyên truyền và che đậy vấn đề nhân quyền.
Thông cáo của HRW đưa ra một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xử sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25/10.
Phan Kim Khánh là một sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Anh được xem là một “thủ lĩnh sinh viên” năng động, từng tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của sinh viên, sau đó trở thành ủy viên ban thư ký của Hội Sinh viên, nhận được nhiều bằng khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.
Phan Kim Khánh bị bắt hồi tháng 3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam vì đã thành lập và điều hành hai trang blog có tên “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam”.
Chính quyền Việt Nam nói Phan Kim Khánh “liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác”, trích Thông cáo báo chí của HRW.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế nói những người như Phan Kim Khánh lẽ ra phải được chính quyền Việt Nam “cảm ơn”:
“Điều quan trọng là một sinh viên trẻ hoạt động như thế này lẽ ra không phải đối mặt với án tù chỉ vì có cách nghĩ khác với chính quyền Việt Nam, và nói lên suy nghĩ của mình. Một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục là trao đổi thông tin, trao đổi quan điểm và tranh luận, phản biện. Chính quyền nên cảm ơn những người như anh ấy vì đã lên tiếng về những vấn đề họ quan tâm. Thay vì bịt miệng họ, chính quyền Việt Nam nên lắng nghe, xem xét những vấn đề họ nêu ra, và hành động để giải quyết vấn đề đó”, theo lời ông Robertson.
Cập nhật thông tin về Phan Kim Khánh, Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Khánh, cho biết ông vừa có buổi gặp ngắn với Khánh vào chiều 24/10, sức khỏe cũng như tinh thần của Khánh đều “ổn” và “tốt”.
Theo LS. Hà Huy Sơn, cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, về mặt khách quan, khó có đủ cơ sở để kết tội bất cứ ai.
Ông nói: “Tội tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ. Nếu nói về mặt khách quan thì khó có cơ sở để kết tội một ai đó theo tội này. Nhưng trong thực tế, có nhiều người đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam rồi. Cho nên, có tội nay không có tội thuộc về chủ quan của Hội đồng Xét xử của phiên tòa ngày mai”.
Trong khi đó, Phó Giám đốc châu Á của HRW, ông Phil Robertson, cho rằng lý do “dựa trên luật pháp Việt Nam” mà Hà Nội hay đưa ra trong các vụ bắt giữ, kết án tù người bất đồng chính kiến cần phải được “chỉnh” vào dịp Thượng đỉnh APEC, thông qua các lãnh đạo thế giới đến tham dự hội nghị này.
Ông Robertson nói: “Có một sự phân cách cực lớn giữa luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nói rằng ‘chúng tôi dựa trên luật pháp Việt Nam và mọi thứ đều ổn’. Cho nên các lãnh đạo thế giới đến dự APEC cần phải nói ‘Không, điều đó không đúng. Việt Nam có thành tích nhân quyền đặc biệt tệ. Các anh đã bỏ tù rất nhiều người. Hãy phóng thích một số người trước khi chúng tôi tới đó’”.
HRW nói vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhắm vào các blogger và nhà hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức này cho biết trong vòng 12 tháng qua, Việt Nam đã bắt ít nhất 28 người và cáo buộc họ với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Your browser doesn’t support HTML5