Văn phòng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đặt ở Bangkok, Thái Lan, hôm 22/3 gửi ra thông cáo báo chí thúc giục chính quyền Việt Nam “cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng”, người cũng thường được biết đến trên mạng xã hội với tên Lê Dũng Vova. HRW cũng đề nghị Hà Nội phóng thích ông Dũng.
Công an Việt Nam bắt giữ ông Dũng hồi cuối tháng 6/2021 ở Hà Nội và cáo buộc ông phạm tội tuyên truyền chống nhà nước khi đăng một số đoạn video và bài viết trên Facebook và YouTube.
Chính quyền có lịch đưa ông Dũng, 51 tuổi, ra xét xử tại một tòa án ở Hà Nội vào ngày 23/3 và ông hiện đối mặt với bản án có thể lên tới 12 năm tù giam.
“Lê Văn Dũng là một trong hơn 60 người dân đang bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố hoặc giam cầm chỉ vì lên tiếng phê phán chính quyền”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong bản thông cáo báo chí.
“Các điều khoản về tuyên truyền trong bộ luật hình sự Việt Nam hướng tới mục đích làm người dân khiếp sợ với thông điệp đe dọa hãy câm miệng, nếu không sẽ bị nhốt lại”, vẫn lời ông Robertson.
Trong khoảng 11 năm nay, ông Lê Văn Dũng tham gia nhiều hoạt động vì dân chủ và vận động cho nhân quyền.
Hồi năm 2017, ông Dũng và một số nhà hoạt động thân thiết lập ra một kênh YouTube và sử dụng kênh này, kết hợp với chức năng phát trực tiếp trên Facebook (livestream), để bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội, bao gồm cả cung cấp thông tin về pháp luật và các quyền cơ bản.
Trong những ngày cuối tháng 5/2021, công an Việt Nam phát lệnh bắt ông Dũng nhưng ông đã bỏ trốn, không có mặt tại nơi thường trú.
Vào ngày 30/6 cùng năm, công an bắt được ông Dũng tại nhà của một người họ hàng ở Hà Nội. Người họ hàng của ông Dũng bị truy tố về tội “che giấu tội phạm” theo một điều trong bộ luật hình sự Việt Nam.
Trong thông cáo của HRW chỉ trích Hà Nội về phiên tòa sắp diễn ra để xét xử ông Lê Văn Dũng, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW cho rằng “Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục coi bất cứ lời phê phán chính quyền nào cũng là nguy cơ nghiêm trọng phải đưa ra truy tố với mức án tù nặng”, và ông Robertson kêu gọi “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép để Hà Nội lắng nghe những người lên tiếng phê bình thay vì đàn áp họ”.