Một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế kêu gọi chính phủ liên bang Australia hỏi thăm tình hình của những người tị nạn Việt Nam bị hồi hương nhân cuộc đối thoại nhân quyền năm nay với Hà Nội.
Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Australia với Việt Nam dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Canberra.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đề nghị giới chức đàm phán của Australia chất vấn Hà Nội về nơi ăn chốn ở cũng như tình trạng của hai nhóm tị nạn gốc Việt vừa bị trả về nước, đồng thời yêu cầu phóng thích nếu có bất kỳ người nào trong số này bị giam cầm.
Trong văn thư đệ trình Bộ Ngoại giao Australia, Human Rights Watch nhấn mạnh ‘Australia phải công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam giải thích ngay lập tức về các cáo buộc đối với bất kỳ trường hợp người hồi hương nào đang bị giam giữ và phải trả tự do cho mọi trường hợp bị bắt giam tùy tiện.’
Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch nói với VOA Việt ngữ:
‘Điều tối quan trọng là Australia phải sửa chữa sai lầm của họ khi gửi trả người tị nạn trở về Việt Nam. Có hai chiếc tàu tị nạn bị hải quân Australia chặn bắt trên biển và trả về nước. Không biết liệu những người này có bị Việt Nam buộc tội gì hay không vì Hà Nội ém chặt các thông tin này, nhưng chúng tôi e rằng có thể họ sẽ bị trả đũa vì hành động vượt biên tị nạn. Cho nên, chính phủ Australia cần phải nêu lên những câu hỏi cứng rắn với Hà Nội trong cuộc đối thoại nhân quyền lần này về cách Việt Nam đối xử với nhóm người tị nạn hồi hương và phải công khai kết quả cuộc thảo luận.’
Giới hữu trách Australia xác nhận có 46 người tị nạn Việt Nam bị trả về nước hồi tháng 4.
Người ta tin rằng nhóm tị nạn trên một con tàu vượt biên khác hướng tới bờ biển phía Bắc của Tây Australia hồi tháng 7 vừa qua cũng đã bị hồi hương và khi về nước ít nhất 3 người trong số này đã bị nhà cầm quyền giam giữ.
Australia không theo dõi tình hình người tị nạn bị hồi hương và chỉ dựa vào những lời đảm bảo của phía chính phủ Việt Nam rằng họ sẽ không bị trừng phạt khi quay về nước.
Trong văn thư kêu gọi cho nhân quyền Việt Nam nhân cuộc đối thoại nhân quyền giữa Canberra với Hà Nội vào tuần tới, Human Rights Watch nhấn mạnh tình trạng đàn áp nhân quyền vẫn tiếp diễn tại Việt Nam và nêu quan ngại về số phận của ít nhất 135 tù nhân lương tâm trong nước, nạn công an bạo hành, cùng tình trạng đàn áp tôn giáo đối với người Thượng Tây Nguyên.
Ông Robertson:
‘Có rất nhiều vấn đề trong bức tranh nhân quyền của Việt Nam rất cần Australia mang ra thảo luận với Hà Nội trong cuộc gặp năm nay, hiển nhiên vẫn là các vấn đề giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do lập hội. Các quyền dân sự và chính trị căn bản mà chính phủ Việt Nam thường xuyên vi phạm cần phải được nêu lên và bàn thảo. Australia phải tỏ ra áp lực và đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chính sách cũng như ngưng vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.’
Ngoài số người vượt biên bằng đường biển sang Australia, trong năm qua cũng có hàng trăm người Thượng từ Tây Nguyên băng rừng sang Campuchia và các nước khác ở Đông Nam Á tìm đường tị nạn vì lý do bị đàn áp chính trị và tôn giáo.
Your browser doesn’t support HTML5
Việt Nam bị đánh giá là một trong số các quốc gia có thành tích nhân quyền đáng quan ngại nhất trên thế giới.
Chính phủ Hà Nội lâu nay một mực bác bỏ các cáo giác này.
Your browser doesn’t support HTML5