Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế lên tiếng cảnh báo về sự “thiếu cam kết tôn trọng nhân quyền” của Việt Nam, quốc gia vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trước thông tin về việc tù nhân chính trị Huỳnh Thục Vy bị ngược đãi trong khi bị giam giữ.
Gia đình Thục Vy, người đang thi hành án tù gần 3 năm về tội “xúc phạm Quốc kỳ”, đã công khai lên tiếng về những lo ngại rằng cô bị ngược đãi trong tù tại trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai. Theo gia đình, trong một chuyến thăm Thục Vy vào tháng này, cô đã nói nhỏ vào tai con gái 6 tuổi, có tên Lê Hoàng Tuệ Nhã, rằng cô bị “đánh” và “bóp cổ” trong trại giam. Theo lời kể công khai của bố Thục Vy, con gái cô sau đó nói lại với ông ngoại “vừa khóc nước mắt chảy ròng”.
“Không một bé gái nào phải mang một thông điệp khó khăn đến vậy về việc mẹ của mình bị ngược đãi trong tù nhưng đó là điều mà con gái của Huỳnh Thục Vy đã phải đối mặt”, ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/10.
Ông Robertson kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam phải “ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về cáo buộc nghiêm trọng về việc đánh đập và bóp cổ cô Vy tại nhà tù Gia Trung, và các hành vi ngược đãi khác xảy ra tại các nhà tù khác ở Việt Nam cũng như bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm”.
Tháng trước, HRW và tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra cáo buộc về việc nhà hoạt động cho quyền đất đai Trịnh Bá Tư, hiện đang thụ án 8 năm tù tội “tuyên truyền chống nhà nước”, bị “đánh đập và cùm chân” trong trại giam. Cùng thời gian đó, hàng chục luật sư trong nước gửi đơn kiến nghị lên các lãnh đạo nhà nước Việt Nam đòi bãi bỏ biện pháp giam giữ hà khắc này.
Hồi tháng 8, tù nhân chính trị Đỗ Công Đương đã chết trong khi bị giam giữ khi đang thi hành được 2 năm trong bản án 8 năm tù vì những đăng tải trên mạng xã hội về các vấn đề xã hội. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lên tiếng báo động về cái chết của nhà báo độc lập này khi đang bị giam giữ.
“Các báo cáo gần đây về việc quản giáo đánh đập và ngược đãi tù nhân chính trị Việt Nam gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chính phủ Việt Nam hoàn toàn thiếu cam kết tôn trọng nhân quyền”, ông Robertson nói trong một tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Việt Nam giành được ghế trong Hội đồng Nhân quyền trong cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ ở New York.
Bất chấp những phản đối và quan ngại từ cộng đồng quốc tế khi cho rằng Việt Nam chưa tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền, ĐHĐ LHQ đã bỏ phiếu chấp nhận quốc gia Đông Nam Á, cùng với một số nước cũng có hồ sơ nhân quyền yếu kém, là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này cho nhiệm kỳ 3 năm tới bắt đầu từ 1/1/2023.
Thục Vy, 37 tuổi, bị kết án 2 năm 9 tháng tù vào năm 2018 sau khi cô dùng sơn xịt lên là cờ đỏ sao vàng nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh của Việt Nam ngày 2/9/2017. Hành động xịt sơn và đăng hình chụp với 2 lá cờ Tổ quốc bị xịt sơn lên mạng xã hội với nội dung “Phản đối lễ lạt bằng cờ đỏ sơn trắng” của Thục Vy bị chính quyền xem là “coi thường pháp luật của Nhà nước”.
Thục Vy được hoãn thi hành án vì đang có thai con thứ hai nhưng đã bị bắt đi thi hành án vào cuối năm ngoái khi người con này của cô chưa đầy 36 tháng tuổi, mà theo luật Việt Nam việc thi hành án đáng lẽ vẫn được hoãn ở thời điểm đó.
Các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an, nơi quản lý các trại giam trong đó có Gia Trung - nơi Thục Vy đang bị giam giữ, ngoài giờ hành chính không được hồi đáp. Gia đình Thục Vy cho biết “sẽ viết thư cho cơ quan thẩm quyền để giải quyết việc này”.
Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hồi tháng 4 năm nay nói đến “tình trạng tra tấn và đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ” ở Việt Nam. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối báo cáo này và khẳng định “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân”.
Ông Robertson kêu gọi Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho hơn 150 tù nhân chính trị sau song sắt ở trong nước” và cho rằng “đó sẽ là một động thái phù hợp mà Việt Nam thực hiện để chứng tỏ rằng mình nghiêm túc như thế nào về nghĩa vụ tôn trọng nhân quyền” khi muốn là thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam luôn phủ nhận không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở trong nước và chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.