Campuchia hôm 7/12 đảm bảo với Việt Nam rằng sẽ không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên vùng đất của mình trong lúc có những thông tin Trung Quốc đang tìm kiếm một căn cứ hải quân trên Biển Đông.
Thủ tướng Hun Sen nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp phía Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, rằng Hiến pháp của Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài, theo truyền thông trong nước.
Tôi đã nói với Thủ tướng Việt Nam rằng đó là thông tin giả và không có chuyện này xảy ra ở Campuchia.Hun Sen, Thủ tướng Campuchia
“Tôi muốn nhấn mạnh với các bạn rằng Hiến pháp của Vương quốc Campuchia không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Campuchia,” ông Hun Sen nói tại cuộc họp báo ở phủ Thủ tướng ở Hà Nội.
Tháng trước Asia Times tiết lộ rằng Trung Quốc đã vận động hành lang Campuchia từ năm 2017 để được đặt một căn cứ quân sự ở Koh Kong trong Vịnh Thái Lan.
Tin “xuyên tạc”
Ông Hun Sen, hiện đang ở thăm Việt Nam trong 3 ngày kéo dài tới 8/12, phủ nhận ‘tin đồn’ này và cho đây là thông tin “xuyên tạc.”
“Tháng vừa rồi có thông tin xuyên tạc rằng có sự chuẩn bị để nước ngoài xây dựng cơ sở quân sự tại Campuchia,” người đứng đầu Campuchia được VNExpress trích lời nói . “Tôi đã nói với Thủ tướng Việt Nam rằng đó là thông tin giả và không có chuyện này xảy ra ở Campuchia.”
Thủ tướng Campuchia lên tiếng về việc này trước sự có mặt của người đồng cấp Việt Nam vì ông cho rằng các nước láng giềng cũng lo lắng khi có thông tin xuyên tạc về căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia.
“Nếu thông tin giả này tiếp tục được loan truyền, nó sẽ không chỉ gây lo ngại đối với Campuchia mà còn là sự lo lắng đối với các quốc gia láng giềng cũng như sự ổn định của khu vực,” Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam trích lời ông Hun Sen nói. Người đứng đầu Campuchia hy vọng thông tin “xấu, xuyên tạc, phá hoại” đó sẽ sớm được chấm dứt.
Theo Asia Times, căn cứ hải quân được đồn đoán của Trung Quốc là một phần trong chương trình phát triển du lịch có tên Khu nghĩ dưỡng bên bờ biển Dara Sakor do một công ty Trung Quốc dẫn đầu. Trang tin tức có trụ sở ở Hong Kong hôm 15/11 cho biết rằng dự án này được cho là bao gồm một cảng nước sâu, một sân bay quốc tế và các cơ sở sản xuất.
XEM THÊM: Ông Hun Sen không cho lập căn cứ quân sự nước ngoài ở CampuchiaCăn cứ này được đặt tại Vịnh Thái Lan nhưng có thể tiếp cận trực tiếp với Biển Đông nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết trên khu vực lãnh hải có tranh chấp.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trong chuỗi Quần đảo Trường Sa và đưa các thiết bị quân sự lên một số đảo nhân tạo này. Việc quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông này đã làm dấy lên những phản ứng và cảnh báo từ các nước khác trong khu vực, gồm Việt Nam, và ở cả Hoa Kỳ.
Vấn đề biên giới
Tại cuộc họp báo chung với với Thủ tướng Campuchia hôm 7/12, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết rằng tại cuộc hội đàm với ông Hun Sen, hai bên đã khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị, thắt chặt hợp tác quốc phòng, an ninh, nhằm bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình, an ninh vào ổn định của mỗi nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định của khu vực, theo VNExpress.
XEM THÊM: Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam, bàn các vấn đề ‘nóng’Ngoài ra, ông Phúc còn cho biết ông đã bàn thảo vấn đề biên giới với ông Hun Sen. Theo ông, hai thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý các vấn đề tồn tại về biên giới, Việt kiều tại Campuchia trên tinh thần hữu nghị. Hai bên phấn đấu vào giữa năm 2019 sẽ ký hai văn kiện để pháp lý hoá kết quả hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc và sớm hoàn thành 16% còn lại. Hai nước sẽ hợp tác để tạo điều kiện cho cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia sống ổn định, bảo đảm địa vị pháp lý, góp phần phát triển kinh tế Campuchia và là cầu nối của hai bên.