Ngân sách 2017 có thể ‘hụt thu nghiêm trọng’

Hình minh họa.

Bất chấp nguồn thu từ hai loại thuế về quyền sự dụng đất và xuất nhập khẩu bất ngờ tăng vượt hẳn kế hoạch, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2017, tổng thu ngân sách Việt Nam vẫn chỉ đạt 865,6 nghìn tỷ đồng.

Kết quả trên thực sự là một tin xấu đính kèm nỗi thất vọng lớn lao dành cho “đảng và nhà nước ta”, nhưng lại là tin vui cùng hy vọng cho những người mong muốn và trông đợi chính thể cầm quyền ở Việt Nam phải “tự chuyển hóa” theo đúng luận thuyết “kinh tế quyết định chính trị”, “có thực mới vực được đạo” bên bờ vực thẳm “hết tiền hết bạc hết ông tôi”.


Sau kiều hối, thu ngân sách sẽ lao dốc vào năm 2018?


Với đà thu thuế đáng thất vọng trong 10 tháng đầu năm 2017, rất có thể đến ngày cuối cùng của năm 2017, số thuế thu được cho ngân sách chỉ là 1.088 ngàn tỷ đồng, hụt đến 11% so với dự toán đầu năm 2017 là 1.212 ngàn tỷ đồng, thậm chí còn thấp hơn cả số thu ngân sách năm 2016 là 1.094 ngàn tỷ đồng. Nếu kịch bản này xảy ra, 2017 không chỉ là năm thứ ba liên tiếp ngân sách trung ương bị hụt thu, mà còn là năm đầu tiên số thu ngân sách bị giảm so với năm liền trước - một biểu hiện rất rõ rệt về biểu đồ xuống dốc và có thể biến thành lao dốc của thu ngân sách trong năm 2018 và những năm sau “toàn đảng, toàn dân và toàn quân tiến tới đại hội 13”, nếu còn có đại hội này.

Có thể so sánh biểu đồ thu ngân sách trong tương lai gần với một biểu đồ của quá khứ gần và đang tiếp diễn đến hiện tại: nếu 2015 là năm đỉnh điểm của lượng kiều hối của “khúc ruột ngàn dặm” gửi về Việt Nam với 13,5 tỷ USD, thì năm 2016 chỉ còn 9 tỷ USD, tức giảm hơn 30%, còn năm 2017 nhiều khả năng chỉ còn khoảng 7 - 7,5 tỷ USD. Biểu đồ giảm lượng kiều hối như thế phản ánh hình dạng lao dốc chứ không chỉ là suy giảm thông thường, báo trước một tương lai đầy u ám cho chính thể cầm quyền về “nguồn máu nuôi cơ thể”.

Chẳng có cơ thể nào sống được, dù chỉ là sống ký sinh, nếu thiếu máu nuôi nó. Hẳn chẳng phải vô cớ mà vào năm 2017 đảng “bỗng dưng” trở nên quá nhiệt tình với sự nghiệp “hòa hợp hòa giải dân tộc”, thậm chí còn đủ can đảm cho Hội Nhà văn Việt Nam “thí điểm” tổ chức ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” với hai lần tổ chức liên tiếp đều mang vóc dáng của sự thất bại, cũng như đã dám thẽ thọt gián tiếp thừa nhận “chính thể Việt Nam Cộng Hòa” nhưng lại chẳng một quan chức cao cấp nào dám chịu trách nhiệm phát ngôn về sự dũng cảm bất thình lình này.


“Bùng”!


Trong thực tế, một trong số ít “nguồn máu nuôi ngân sách”, trong đó có đến 74% cho “chi thường xuyên” - tức chi lương cho đội ngũ công chức viên chức lên đến 2,5 triệu người với “ít nhất 30% không làm gì cả mà vẫn lãnh lương”, cùng khoảng 30 vạn công an hành dân nhiều hơn là “công an nhân dân”, có một phần đáng kể thuế thu từ sử dụng đất. Những năm trước, nguồn thu từ sắc thuế này thường chiếm khoảng 8-9% tổng thu ngân sách, tương đương hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm. Còn vào năm 2017, trước tình trạng ngân sách cạn kiệt và đè đầu dân chúng, thuế sử dụng đất đã được âm thầm “thí điểm” tăng gấp 3-4 lần ở một số địa phương, đặc biệt tại “con bò sữa Sài Gòn” là nơi có số doanh nghiệp nhiều nhất và mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất quốc gia. Nhiều gia đình do không biết âm mưu tăng vọt thuế như vậy nên đã vẫn lầm lũi nộp tiền sử dụng đất cho đến nay, khiết lết quả thu ngân sách từ sắc thuế này lên đến hơn 80 ngàn tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017.

Nhưng lại có một hiện tượng cay đắng mới cho ngân sách quốc gia: cùng với Hà Nội, ngay cả Sài Gòn cũng có thể bị hụt thu trong năm 2017, với mức hụt thu so với dự toán đầu năm lên tới 7-8%. Hiện tượng này cho thấy chẳng khác gì báo chí nhà nước kêu gào suốt từ năm 2011 đến nay về “sức dân và sức doanh nghiệp đã kiệt”.

Một cán bộ thu thuế nói toạc ra “Cứ thu thế này thì chẳng mấy chốc dân sẽ bùng”.

“Bùng” là một từ đặc trưng của người Nam Bộ, có nghĩa là “bùng nổ”.

Nhiều người dân Sài Gòn đã than tiếc bởi họ bị chính quyền “lừa” đóng tiền sử dụng đất trong suốt nhiều tháng qua. Còn sắp tới, nếu tình trạng áp thuế sử dụng đất tăng vọt tái diễn, hẳn rất nhiều người dân Sài Gòn sẽ nhìn thấu tim gan đảng để tự biết có nên nộp thuế hay không.

Nếu dân Sài Gòn mà còn “bùng”, dân các tỉnh khác, đặc biệt những tỉnh vùng sâu vùng xa và đầy rẫy đói nghèo - sẽ ra sao?

Phản ánh từ nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo ấy đều cho biết: “Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi”.

Trong khi đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017 như khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng này phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 7,31% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.


Phía trước là… vực thẳm


Vào đầu kỳ họp quốc hội Việt Nam tháng 10 - 11 năm 2017, Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng đã phải thừa nhận: “thu ngân sách nhà nước không còn tăng cao so với dự toán như nhiều năm trước đây. Cả năm nay, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 2,3% so với dự toán. Đây là mức tăng thấp nhất trong vài năm gần đây so với mức tăng 9,6% trong các năm 2014 và 2015, và 8,6% năm 2016”.

Nhưng với tình hình tồi tệ của các doanh nghiệp và cạn kiệt sức dân như hiện thời, kết quả thu ngân sách năm 2017 có thể bị hụt thu đến 11% chứ không thể có chuyện “tăng 2,3% so với dự toán đầu năm”.

Nếu kết quả thu ngân sách năm 2017 bị hụt thu hàng chục phần trăm so với dự toán, tỷ lệ hụt thu thực tế so với kế hoạch thu của “đảng và nhà nước ta” sẽ gấp đôi như thế - khoảng 20%. Theo đó, tiền lương trả cho khối công chức viên chức, cho dù có được tăng đôi chút, cũng bị trượt giá đáng kể vào năm 2017 trong bối cảnh lạm phát thực tế và mặt bằng giá cả ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với báo cáo của Chính phủ “dưới 5%”.

Chưa kể tình cảnh ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cạn kiệt tiền đến mức một số địa phương đã phải nợ lương công chức từ mấy tháng qua…

Đó sẽ là một thất bại rất lớn của đảng Cộng sản trong “lãnh đạo toàn diện” về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cùng vô số hậu quả về tham nhũng, lãng phí và tạo nên một giai tầng “tinh hoa” vừa đặc quyền đặc lợi vừa dã man hơn cả thời thực dân.

Nhưng khác hẳn với nhiều năm trước, bây giờ và sắp tới sẽ không còn thời gian để “rút kinh nghiệm sâu sắc” cho những thất bại nữa. Ngay phía trước, không phải chân trời, mà là vực thẳm vỡ nợ ngân sách, kéo theo tương lai sụp đổ nền hành chính quốc gia cùng rối loạn, biến loạn kinh tế và xã hội. Như “người anh em xã hội chủ nghĩa” Venezuela…

Đã đến nước này, tại sao đảng vẫn chưa chịu “tự chuyển hóa” theo những gì mà dân chúng đòi hỏi?