Công lý được trả lại cho một bác sĩ ở Huế, người đã bị chính quyền địa phương phạt cách đây 2 tháng sau khi ông chỉ trích bộ trưởng y tế.
Hôm 23/10, ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xin lỗi bác sĩ Hoàng Công Truyện, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.
Ông giám đốc sở y tế cũng chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền thu hồi quyết định kỷ luật khiển trách bác sĩ Truyện.
Trước đó, tối 22/10, ông Lê Sỹ Minh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Thừa Thiên Huế, nói với các cơ quan báo chí Việt Nam rằng sở của ông sẽ rút lại quyết định xử phạt và xin lỗi bác sĩ Truyện.
Sở đã bàn bạc và đi đến quyết định đó sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.
Bác sĩ Truyện, 53 tuổi, hồi giữa tháng 7 đăng một ý kiến ngắn trên Facebook, gọi nữ bộ trưởng y tế là "Mụ ni” và cho rằng bà nên để “các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới”.
Vị bác sĩ trực ngôn than phiền là bà Nguyễn Thị Kim Tiến không đáng làm bộ trưởng vì “chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho chính phủ can thiệp”. Ý ông nói đến tình trạng đã xảy ra những vụ bác sĩ, y tá bị người nhà bệnh nhân tấn công, đánh đập vì những lý do khác nhau trong thời gian gần đây.
Ông Truyện kết luận bài viết chỉ có 63 từ của mình với câu: “Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở".
Chỉ một ngày sau khi ý kiến của ông đăng lên, Bộ Y tế đã phản ứng mạnh, gửi một công văn đến Sở Y tế Thừa Thiên-Huế cáo buộc bác sĩ Truyện “bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đứng đầu ngành y tế”.
Công văn đã dẫn đến việc ông Truyện bị cơ quan "khiển trách" và bị Sở Thông tin phạt 5 triệu đồng hồi tháng 8.
Chuyện bác sĩ Truyện cho thấy sức mạnh của mạng xã hội. Những bình luận không phải chỉ là chém gió trên bàn phím cho vui mà chắc chắn là có ảnh hưởng đến chính sách.Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Tưởng chừng tiếng nói của vị bác sĩ nói thẳng bị dập tắt, trái ngược lại, vụ việc của ông lại được khui ra cách đây ít ngày. Ý kiến của ông được lan truyền trên mạng xã hội cũng như đăng nguyên văn trên một số báo mạng.
Về vụ việc này, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 22/10 yêu cầu rằng nếu bác sĩ Truyện chỉ có ý kiến đã đăng trên Facebook, sở thông tin địa phương cần phải “rút quyết định phạt và xin lỗi ngay” bác sĩ này.
Bộ trưởng Tuấn cho rằng từ bài viết của bác sĩ trên Facebook, “chưa đủ căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự”.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ở Hà Nội lâu nay thúc đẩy nhân quyền, trong đó có tự do ngôn luận, bình luận với VOA:
“Tôi rất mừng thấy là mạng xã hội chứng tỏ là họ có sức mạnh. Chuyện bác sĩ Truyện cho thấy sức mạnh của mạng xã hội. Những bình luận không phải chỉ là chém gió trên bàn phím cho vui mà chắc chắn là có ảnh hưởng đến chính sách”.
Nhà hoạt động nữ điểm lại các diễn biến từ khi mạng xã hội bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam khoảng năm 2007 và nhận định rằng những ý kiến, phản ứng của công chúng đã góp phần ngăn chặn nhiều dự thảo luật, quy định vô lý.
Chị nhấn mạnh khi một người lên tiếng về điều mình cho là đúng, người đó cần kiên định với quan điểm của mình:
“Nếu mình làm đúng, đúng với lương tâm, lẽ phải, thì mình không có gì phải sợ cả. Phải kiên quyết bảo vệ điều mà mình cho là đúng đấy”.
... cả ông Tuấn và cộng đồng mạng đã áp dụng tiêu chuẩn kép. Tức là anh Truyện làm thì không sao, anh Hùng làm thì bị nặng. Tôi rất mong một ngày nào đó cộng đồng mạng ý thức điều này để thống nhất hơn. Đó là không phải tiêu chuẩn kép, đây là chuyện bản chất giống nhau: đều là xâm phạm tự do ngôn luận.Chị Phạm Đoan Trang
Trường hợp bác sĩ Truyện bị phạt rồi lại được “minh oan” gợi nhớ lại việc cách đây hai năm nhà báo Đỗ Hùng thuộc báo Thanh Niên bị kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo vì viết một bài hài hước trên Facebook điểm lại lịch sử Việt Nam hồi tháng 9 năm 1945.
Nhà hoạt động, từng là nhà báo trong nhiều năm trước đây, so sánh rằng hai trường hợp này về bản chất “giống nhau hoàn toàn”. Chúng đều là sự can thiệp thô bạo của “người đại diện cho chính quyền” vào tự do ngôn luận của công dân bình thường và hình sự hóa vấn đề ngôn luận của cá nhân, theo lời chị.
Nhưng chị Đoan Trang chỉ ra điểm khác nhau là đã có rất nhiều người trên mạng xã hội “lên án anh Đỗ Hùng”. Cụ thể, nhóm có tên “Đơn vị tác chiến điện tử” - được cho là một diễn đàn trên Facebook của những người thân chính phủ - đã “kích động” và “kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý”.
So sánh cách nhà chức trách xử lý hai trường hợp, nhà hoạt động cho rằng đã có việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”:
“Bộ 4T [Thông tin-Truyền thông] và ông Trương Minh Tuấn lúc đó rất hăng hái, muốn thể hiện mình trước cấp trên và quyết định chơi rắn. Đến năm nay thì ông Tuấn lại có quyết định được nhiều người khen là sáng suốt. Thế nhưng chúng ta phải thấy cả ông Tuấn và cộng đồng mạng đã áp dụng tiêu chuẩn kép. Tức là anh Truyện làm thì không sao, anh Hùng làm thì bị nặng. Tôi rất mong một ngày nào đó cộng đồng mạng ý thức điều này để thống nhất hơn. Đó là không phải tiêu chuẩn kép, đây là chuyện bản chất giống nhau: đều là xâm phạm tự do ngôn luận”.
Tuy đề cao ảnh hưởng ngày càng tăng của tiếng nói công chúng thông qua mạng xã hội, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cũng cảnh báo có một số lĩnh vực công chúng chưa thể gây ảnh hưởng có tính quyết định.
Chị đặc biệt lưu ý đến các hoạt động, hành xử của ngành công an, cho rằng công luận “rất khó tạo thay đổi” đối với ngành này.
Your browser doesn’t support HTML5