Hãng dịch vụ kinh doanh và tài chính Moody's cho rằng Nga có thể đang ở trong tình trạng vỡ nợ vì họ đã cố gắng dùng đồng rúp để thanh toán cho các trái phiếu của họ có mệnh giá bằng đồng đô la. Đây hẳn là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất cho đến nay của việc Moscow bị loại trừ khỏi hệ thống tài chính phương Tây kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine.
Nếu Moscow bị chính thức xác nhận là vỡ nợ, điều này sẽ đánh dấu lần vỡ nợ lớn đầu tiên của Nga trong lĩnh vực trái phiếu nước ngoài kể từ những năm sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, mặc dù Điện Kremlin đổ lỗi rằng phương Tây o ép bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt ngặt nghèo nên mới dẫn đến vỡ nợ.
Nga đã thực hiện thanh toán do đã đến hạn vào ngày 4/4 cho hai loại trái phiếu chính phủ - đáo hạn vào năm 2022 và 2042 - bằng đồng rúp thay vì bằng đô la mà Nga bắt buộc phải thanh toán theo các điều khoản của hai loại trái phiếu đó.
Xét theo định nghĩa của hãng Moody's, “như vậy, Nga có thể bị coi là vỡ nợ nếu không khắc phục được trước ngày 4/5, tức là lúc kết thúc thời gian ân hạn", Moody's đưa ra nhận xét hôm thứ Năm 14/4.
"Các hợp đồng trái phiếu đó không có điều khoản quy định về việc thanh toán lại bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác ngoài đô la", vẫn theo Moody’s
Hãng này nói thêm: "Quan điểm của Moody's là các nhà đầu tư đã không nhận được đúng như điều đã cam kết theo hợp đồng về ngoại tệ vào ngày đến hạn thanh toán".
Năm 1998, Nga vỡ nợ 40 tỷ đô la và phá giá đồng rúp dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin vì nước này thực sự đã bị phá sản sau cuộc khủng hoảng nợ châu Á và giá dầu giảm đã làm mất niềm tin vào khoản nợ đồng rúp ngắn hạn của Nga.
Năm 1918, các nhà cách mạng Bolshevik dưới thời Vladimir Lenin đã thoái thác việc trả các khoản nợ của Nga hoàng, gây chấn động thị trường nợ toàn cầu vì Nga khi đó là một trong những nước nợ nước ngoài lớn nhất thế giới.
Lần này, Nga có tiền nhưng không thể trả vì các khoản dự trữ ngoại hối - có quy mô lớn thứ 4 thế giới - bị Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Anh và Canada phong tỏa.
Vì Nga không thể và không muốn vay tiền ngay bây giờ, nên việc vỡ nợ chủ yếu chỉ có tính biểu tượng.
Hãng đánh giá chỉ số tín dụng độc lập S&P hồi đầu tháng này đã hạ xếp hạng tiền tệ của Nga xuống mức "vỡ nợ theo một số tiêu chí chọn lọc" do rủi ro gia tăng về việc Moscow sẽ không thể và không sẵn lòng thực hiện các cam kết của họ với các chủ nợ ngoại quốc.
Nền kinh tế Nga đang tiến đến tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm sau khi Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991, với nạn lạm phát tăng vọt và dòng vốn đang tháo chạy.
(Reuters)