Đội tàu thuộc biên chế hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga có chuyến thăm kéo dài bốn ngày đến cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nơi đặt quân cảng trọng yếu của Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân đưa tin.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nga bị nhiều nước phương Tây và đối tác trừng phạt, cô lập trong hơn 4 tháng nay vì xâm lược Ukraine. Trong cùng thời gian, tại Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng để từ chối chỉ trích hành động của Nga tại Ukraine, và bỏ phiếu chống lại một nghị quyết về đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Đội tàu Nga đến Cam Ranh gồm 3 chiếc - chiến hạm Nguyên soái Shaposhnikov, tàu hộ vệ Gremyshiy và tàu chở dầu cỡ trung Pechenga - do Đại tá Hải quân Anciferov Alexey Vitalievich chỉ huy.
Mục đích của chuyến thăm kéo dài từ ngày 25 đến ngày 28/6 này là “thăm xã giao”, cũng theo cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
“Chuyến thăm xã giao của đội tàu hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi hy vọng sẽ có nhiều chuyến thăm hơn nữa trong tương lai”, ông Timur Sadykov, Tổng lãnh sự Nga ở thành phố Hồ Chí Minh, được trang Sputnik tiếng Việt, dẫn lời nói khi ông đến thăm tàu Nguyên soái Shaposhnikov ở cảng Cam Ranh.
Cũng theo trang tin của Nga này thì đây là “tàu chống ngầm cỡ lớn”.
Ra đón đội tàu có đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, theo Quân đội Nhân dân, nhưng không nói rõ những đại diện này thuộc cấp bậc nào.
Sau lễ đón, sáng ngày 25/6, các chỉ huy đội tàu đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô, Liên bang Nga và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực, Sputnik cho biết. Sau đó, họ đã đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Trong 4 ngày ở Việt Nam, các thủy thủ thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ “đấu giao hữu thể thao với sĩ quan, thuỷ thủ của Hải quân nhân dân Việt Nam và tham quan một số di tích lịch sử, văn hoá tại TP. Nha Trang”.
Được thành lập từ năm 1731, Hạm đội Thái Bình Dương là một trong 5 hạm đội của Hải quân Nga, vốn cũng bao gồm các Hạm đội Biển Đen, Hạm đội phương Bắc, Hạm đội Caspi và Hạm đội Baltic.
Là hạm đội lớn thứ hai của Nga sau Hạm đội Biển Đen, hiện Hạm đội Thái Bình Dương có 50 chiến hạm nổi và 23 tàu ngầm, cũng theo Sputnik. Căn cứ chính của Hạm đội này đặt ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga.
Vốn là đồng minh thân cận của nhau, Moscow đã được Hà Nội cho phép Hạm đội Thái Bình Dương sử dụng quân cảng Cam Ranh, vốn được xem là một những cảng nước sâu tốt nhất trong khu vực, làm căn cứ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Mãi cho đến năm 2002 Hải quân Nga mới chấm dứt sự hiện diện ở đây.
Theo chính sách đối ngoại ‘Ba Không’ của Việt Nam, Hà Nội sẽ không cho quân đội nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ, trong đó có cảng Cam Ranh, mặc dù phía Mỹ từng tỏ ý quan tâm đến vị trí quan trọng của hải cảng này.
Thay vào đó, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng cảng Cam Ranh thành một cơ sở hậu cần chuyên sửa chữa tàu biển và làm dịch vụ hàng hải. Hà Nội nói họ hoan nghênh tàu chiến các nước đến Cam Ranh làm dịch vụ hậu cần hay sửa chữa, chứ không dành riêng cho bất kỳ hải quân nước nào.
Hồi đầu năm nay, Tàu tuần dương Vendémiaire của Hải quân Pháp cũng đã có chuyến thăm xã giao và hợp tác tại cảng Cam Ranh từ ngày 1 đến ngày 5/3. Trước đó nữa, vào đầu tháng 10 năm 2021, chiến hạm HMS Richmond của Hải quân Anh cũng đã ghé thăm cảng này trong vòng 4 ngày.
Trước chuyến thăm của tàu hải quân Anh không lâu, ba tàu hải quân Hoàng gia Úc thuộc Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã cập cảng Cam Ranh vào cuối tháng 9 năm 2021.