Thế giới đã bước vào kỷ nguyên bất ổn ngày càng tăng khi các quốc gia trên toàn cầu tăng cường chi tiêu quân sự nhằm đáp ứng việc Nga xâm lược Ukraine, cuộc tấn công của Hamas vào Israel và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đó là kết luận của một phúc trình mới được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS công bố hôm 13/2, trong đó cũng nhấn mạnh căng thẳng gia tăng ở Bắc Cực, việc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và sự trỗi dậy của các chế độ quân sự ở khu vực Sahel của Châu Phi góp phần vào “sự suy thoái môi trường an ninh.” Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London này đã tổng hợp ước tính hàng năm về tình hình quân sự toàn cầu trong 65 năm.
“Tình hình an ninh-quân sự hiện nay báo trước những gì có thể sẽ là một thập niên nguy hiểm hơn, đặc trưng bởi sự áp dụng trắng trợn của một số thế lực quân sự để theo đuổi các yêu sách - gợi lên cách tiếp cận ‘hễ mạnh là thắng’ - cũng như mong muốn của các nền dân chủ cùng chí hướng để có mối quan hệ quốc phòng song phương và đa phương mạnh mẽ hơn để đáp ứng”, phúc trình cho biết.
IISS cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 9% lên 2,2 nghìn tỷ đô la vào năm ngoái khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, làm gia tăng lo ngại rằng Trung Quốc và các quốc gia có sức mạnh quân sự khác có thể cố gắng áp đặt ý chí của họ lên các nước láng giềng.
Sự gia tăng thậm chí còn sâu rộng hơn ở NATO, vốn đã hỗ trợ Ukraine như một bức tường thành phòng thủ chống lại sự xâm nhập sâu hơn của Nga vào châu Âu. Viện này cho thấy các thành viên trong liên minh, không phải Mỹ, đã tăng chi tiêu quân sự lên 32% kể từ khi Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Mười thành viên châu Âu đã đạt được mục tiêu của liên minh là chi 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng vào năm ngoái, tăng từ mức chỉ có hai thành viên hồi năm 2014.
Chi tiêu quốc phòng của châu Âu lại nhận được sự chú ý trong những ngày gần đây sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử rằng khi còn là tổng thống, ông từng nói với một quốc gia NATO nào đó rằng ông sẽ “khuyến khích” Nga tấn công các thành viên liên minh không đáp ứng các cam kết tài trợ của họ.
“‘Bạn không chi trả? Bạn có phạm pháp không?'”, Trump nhắc lại. “‘Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải trả tiền. Bạn phải thanh toán các hóa đơn của mình.’”
Nhận xét của ông Trump đã gây ra mối lo ngại giữa các thành viên liên minh như Ba Lan, nơi đang có mối lo ngại cao về cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở nước láng giềng Ukraine. Những nhận xét này cũng làm tăng thêm sự lo lắng về sự chậm trễ trong việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ đô la cho Ukraine.
Ông Ben Barry, một thành viên cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện, cho biết việc Quốc hội Mỹ không chấp thuận viện trợ có thể sẽ khiến Nga áp dụng chiến lược nghiền nát hệ thống phòng thủ của Ukraine và gây thương vong hàng loạt.
Câu hỏi dành cho các đồng minh của Ukraine “là họ có thực sự muốn Ukraine giành chiến thắng?” ông Barry nói với các phóng viên. “Nếu họ thực sự muốn Ukraine giành chiến thắng, thì họ… cần phải tăng gấp đôi số tiền viện trợ mà họ đã đưa ra năm ngoái, bởi vì cái giá đối với châu Âu do chiến thắng của Nga có lẽ, về mặt tài chính, thậm chí còn lớn hơn cái giá khi quyết tâm tài trợ.”
Một trong những phát hiện quan trọng của phúc trình là Nga đã mất khoảng 3.000 xe tăng chiến đấu chủ lực trong cuộc giao tranh ở Ukraine, gần bằng số xe tăng mà Moscow có trong kho trước khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.
Trong khi Nga đã bổ sung lực lượng bằng cách rút 2.000 xe tăng cũ ra khỏi kho, chính phủ Ukraine ở Kyiv đang dựa vào các quốc gia phương Tây để cung cấp đạn dược và vũ khí cần thiết để cầm chân nước láng giềng lớn hơn của mình.
“Nhưng Kyiv cũng tiếp tục thể hiện sự khéo léo của mình theo những cách khác, sử dụng các hệ thống do phương Tây và bản địa phát triển để đặt Hạm đội Biển Đen của Nga vào thế yếu”, Viện nghiên cứu cho biết, trích dẫn việc Ukraine sử dụng “các phương tiện không người lái”.
IISS nói bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến kế hoạch quân sự ở các nước khác. Đặc biệt, nhiều quốc gia đã nhận ra rằng họ cần tăng cường sản xuất khí tài quân sự và xây dựng kho dự trữ trang thiết bị lớn hơn trong trường hợp buộc phải tham gia một cuộc chiến tranh kéo dài.
Phúc trình nói: “Tư duy chừng nào tới thì xử lý chừng đó vốn đã tồn tại trong gần ba thập niên đang nhường chỗ cho cách tiếp cận luôn phòng hờ hữu sự, dù việc thực hiện những tham vọng này là một thách thức”.