IMF: Việc giảm lãi suất của Việt Nam có thể làm xáo trộn thị trường

Tiền đồng của Việt Nam đã giảm giá sau những đồn đoán rằng việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước sẽ làm lạm phát gia tăng

Quĩ Tiền tệ Quốc tế nhận định quyết định cắt giảm lãi suất cho vay của ngân hàng trung ương của Việt Nam hồi tuần trước có thể khiến nhiều người hoài nghi về quyết tâm chống lạm phát của chính phủ.

Bản tin của hãng Bloomberg cho hay hôm 4/7 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất cho khoản vay 7 ngày từ 15% xuống còn 14% mặc dù tỷ lệ lạm phát tính theo năm đã lên tới mức 20,8% trong tháng 6, là mức lạm phát cao nhất trong số 17 nền kinh tế của châu Á.

Hãng tin này trích nhận định của ông Benedict Bingham, đại diện cao cấp của IMF tại Việt Nam, nói rằng IMF quan ngại rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến thị trường cảm thấy mập mờ về cam kết duy trì nỗ lực ổn định kinh tế của chính phủ theo Nghị quyết 11.

Hồi tháng 2, chính phủ đã thông qua một nghị quyết nhằm đối phó với lạm phát bằng việc kiểm soát chặt chẽ các khoản vay và giảm thâm hụt ngân sách. Hồi tháng trước, IMF cũng nhận định rằng chính phủ Việt Nam nên gửi “một tín hiệu mạnh mẽ” rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện hành động này sang tới năm 2012.

Trong khi đó Moody's Investors Service cũng nhận định rằng việc ngân hàng trung ương Việt Nam không thể tiếp tục giữ nguyên các chính sách chặt chẽ của họ có thể sẽ ảnh hưởng tới tiền đồng. Một giới chức tại Moody's nhận định rằng thời điểm cắt giảm lãi suất này đặc biệt gây ngạc nhiên và không có một công bố nào đưa ra một lời lý giải phù hợp cho việc cắt giảm lãi suất này.

Một công bố đăng trên trang web của ngân hàng trung ương hôm 8/7 chỉ nói rằng việc cắt giảm lãi suất không phải là một dấu hiệu thay đổi chính sách và rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện một chính sách tiền tệ chặt chẽ và cẩn trọng.

Tiền đồng của Việt Nam đã giảm giá sau những đồn đoán rằng việc cắt giảm lãi suất hồi tuần trước của Ngân hàng nhà nước sẽ làm lạm phát gia tăng và giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Nguồn: Bloomberg, Ha Noi Moi