Dự luật chống tham nhũng của Ấn thông qua thử thách đầu tiên

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói dự luật 'đáp ứng lời hứa' mà các nhà làm luật đưa ra trước nhân dân Ấn

Các nhà làm luật Ấn đang thúc đẩy thông qua dự luật chống tham nhũng được coi như một bước ngoặt, mặc dù bị phe đối lập chỉ trích dữ dội.

Các nhà làm luật tại hạ viện đã thông qua dự luật để thành lập một cơ quan giám sát có tên là lokpal để điều tra và truy tố các chính trị gia bị tình nghi tham nhũng.

Cuộc biểu quyết theo sau một vụ tranh luận ồn ào tại quốc hội và lời bênh vực mạnh mẽ của Thủ tướng Manmohan Singh cho dự luật.

Những người chỉ trích nói dự luật không đủ mạnh để diệt trừ nạn tham nhũng lan tràn khắp nước, và lãnh đạo đối lập Sushma Swaraj của đảng Bharatiya Janata chỉ trích luật diệt trừ tham nhũng này cho rằng sẽ không có hiệu quả vì nó sẽ bị đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Nhưng ông Singh gạt bỏ những quan ngại đó. Ông nói dự luật "đáp ứng lời hứa" mà các nhà làm luật đưa ra trước nhân dân Ấn.

Nhưng còn nhiều trở ngại nữa cần phải vượt qua. Chính phủ do đảng Quốc Đại lãnh đạo không có đủ túc số 2/3 cần thiết để đưa dự luật trở thành một tu chính hiến pháp. Và dự luật còn phải được thượng viện chấp thuận.

Sự bất mãn của dân chúng ngày càng tăng trước một loạt các vụ tai tiếng về tham nhũng.

Vào thứ Ba tại Mumbai, hàng ngàn người biểu tình phản đối tụ họp để chào mừng nhà hoạt động tranh đấu lâu năm, ông Anna Hazare trong lúc ông bắt đầu cuộc tuyệt thực mới trước công chúng để phản đối dự luật.

Ông Hazare gọi dự luật này là vô hiệu lực và nói nó sẽ không đủ sức để chặn đứng nạn tham nhũng tràn lan. Nhà hoạt động tranh đấu chống tham nhũng 74 tuổi một mực đòi phải đặt cảnh sát liên bang và Cục Điều Tra Trung Ương của Ấn dưới quyền tài phán của cơ quan giám sát tham nhũng.