Phái đoàn thương mại Hoa Kỳ thăm Ấn Độ

Ấn Ðộ với những thành phố đang phát triển là một thị trường đầy tiềm năng

Một phái đoàn thương mại Hoa Kỳ đang có mặt tại Ấn Độ để thăm dò tiềm năng của thị trường có nền kinh tế phồn thịnh và tầng lớp trung lưu đang phát triển mà các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách tận dụng một cơ hội làm ăn lớn.

Đại diện của 15 doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đi thăm trung tâm tài chính Mumbai và trung tâm của ngành công nghệ thông tin ở miền Nam là Hyderabad trước khi tới New Delhi để tìm kiếm các đối tác nhượng quyền thương mại.

Trong phái đoàn có đại diện của hệ thống bán thức ăn nổi tiếng ở Mỹ như Denny's, Wendy's, Pollo Tropical, và Johnny Rockets cùng doanh nghiệp bán lẻ hàng điện tử RadioShack và tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực công viên giải trí Wonderworks.

Các công ty này có mặt ở đây trong khuôn khổ sứ mạng mậu dịch chưa từng có trước nay của doanh gia Hoa Kỳ sang Ấn Độ tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại.

Trưởng đoàn, Thứ trưởng Thương mại đặc trách sản xuất và dịch vụ của Hoa Kỳ, bà Nicole Y Lamb-Hale, nhận xét rằng Ấn Độ đã sẵn sàng phát triển mạnh về lĩnh vực nhượng quyền thương mại. Thị trường Ấn Độ trong lĩnh vực này ước tính trị giá 3,3 tỷ đô la và hằng năm tăng trưởng khoảng 30%.

Bà Lamb-Hale cho biết ngoài việc cung cấp các cơ hội mới cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, việc các công ty Mỹ bước vào thị trường Ấn cũng mang lại lợi ích cho các nhà kinh doanh địa phương.

Bà nói: “Điều rất hay là việc này có lợi cho các nhà kinh doanh của Aãn Độ vì họ đã có sẵn một khái niệm kinh doanh đã được chứng minh, họ có thể hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và các phương thức làm ăn tốt nhất, họ có cơ sở làm ăn riêng và sẽ làm cho nó thích nghi với thị trường Ấn. Đây thật sự là một cơ hội có lợi cho đôi bên nhằm tạo công ăn việc làm tại cả hai nước Ấn Độ và Hoa Kỳ.”

Nền kinh tế tăng trưởng đã mang lại cho tầng lớp trung lưu ở Ấn nhiều thu nhập có thể chi tiêu cho các lĩnh vực dịch vụ, giải trí, và ăn uống. Để khai thác tiềm năng của thị trường đang phát triển tại đất nước 1,2 tỷ dân này, một số công ty, như tập đoàn Denny's chẳng hạn, dự định khởi sự hoạt động ngay đầu năm tới.

Bà Lamb-Hale cũng thảo luận với giới hữu trách Ấn về việc giảm bớt các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Ấn quy định mức vốn đầu tư nước ngoài trong một thương hiệu bán lẻ duy nhất tối đa là 51% và cấm không cho doanh nghiệp nước ngoài làm chủ hệ thống bán lẻ nhiều thương hiệu. Washington cũng đã hối thúc New Delhi nới lỏng các hạn chế đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tuy bà Lamb-Hale cho rằng các quy định này có thể cản trở một số doanh nghiệp, nhưng bà vẫn lạc quan về một số thay đổi.

Bà giải thích: “Mỗi doanh nghiệp sẽ có quan điểm riêng của mình nhưng chắc chắn quy định về mức đầu tư tối đa như thế có thể làm giảm tính thu hút của thị trường đối với một số doanh nghiệp. Tôi cho rằng chính phủ Ấn Độ đã cho thấy là họ sẵn sàng lắng nghe và tôi nghĩ sẽ có một số nới lỏng trong một số lĩnh vực.”

Giới hữu trách Hoa Kỳ cho rằng nới lỏng các giới hạn đối với đầu tư nước ngoài sẽ tạo động lực mới cho mậu dịch song phương có giá trị khoảng 48 tỷ đô la.

Phái đoàn thương mại đang đi thăm Ấn nằm trong khuôn khổ một kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ nhắm mục tiêu tăng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu trong 5 năm và tạo công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.