Hôm 5/9, Indonesia cảnh báo khối Đông Nam Á chớ nên bị kéo vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc khi các nhà lãnh đạo khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm cách xua tan lo lắng về những rạn nứt trong nỗ lực mưu tìm hòa bình cho Myanmar và tái khẳng định tính thích đáng của khối có nhiều khác biệt của họ.
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi khối đề ra “một chiến lược dài hạn phù hợp và đáp ứng mong đợi của người dân”.
“ASEAN đã đồng ý không trở thành ủy quyền cho bất kỳ cường quốc nào. Đừng biến con tàu của chúng ta thành một đấu trường cho sự cạnh tranh tai hại”, Tổng thống Widodo, còn được gọi với tên Jokowi, nói.
“Chúng ta, với tư cách là những nhà lãnh đạo, phải đảm bảo lèo lái con tàu này đi đúng hướng và chúng ta phải trở thành thuyền trưởng của nó để cùng nhau đạt được hòa bình, ổn định và thịnh vượng.”
Được thành lập ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh vào những năm 1960 để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng, khối ASEAN đa dạng về chính trị ưu tiên sự đoàn kết và không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng điều đó đã hạn chế phạm vi hành động của khối này khi xử lý các vấn đề như của thành viên Myanmar, nơi bạo lực tràn lan suốt hai năm qua kể từ khi quân đội tiếm quyền bằng cuộc đảo chính năm 2021.
ASEAN cấm các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar tham gia các cuộc họp cấp cao nhưng đã xuất hiện những khác biệt khi Indonesia cố gắng đưa tất cả các bên liên quan vào thực hiện một kế hoạch hòa bình của khối, trong khi Thái Lan lại tìm cách đưa các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar vào.
Theo một nguồn tin ở Jakarta và một nguồn tin khác trong khu vực, hôm 5/9, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đi đến thống nhất về việc không để cho Myanmar làm chủ tịch hiệp hội vào năm 2026 như dự kiến ban đầu.
Thay vào đó, Philippines sẽ làm chủ tịch vào năm 2026, sớm hơn một năm so với dự kiến, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết trong cuộc họp.
Malaysia hôm 4/9 kêu gọi có biện pháp “mạnh” đối với các tướng lĩnh Myanmar, vì họ đã tạo ra “trở ngại” cho kế hoạch hòa bình của ASEAN.