Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên, cơ quan giữ số kết toán đầy đủ các chủng loài sinh học, nói rằng chỉ có khoảng từ 2.400 đến 2.800 con voi Sumatra còn sinh sống nơi hoang dã. Con số này sụt giảm 50% so với số đếm được vào năm 1985. Sự sụt giảm đáng kể này, kết hợp với việc mất đi 70% môi trường sống thiên nhiên trong rừng, khiến tổ chức này phải chuyển loài voi Sumatra qua “Danh sách đỏ” các chủng loài có nguy cơ trầm trọng bị tuyệt chủng.
Quỹ Dã Sinh Thế giới nêu ra mức độ phá rừng mau chóng ở Sumatra như nguyên do chính của nguy cơ ngày càng tăng đối với loài voi.
Hai phần ba số rừng ở Sumatra đã bị khai quang trong 25 năm vừa qua để dọn đường cho các đồn điền trồng cọ sinh nhiều lợi. Phối hợp viên theo dõi loài voi và cọp của Quỹ Dã Sinh Thế giới, ông Sunarto nói rằng môi trường thích hợp nhất cho loài voi cũng là vùng đất được nhiều người tìm kiếm để làm nơi sản xuất dầu cọ.
Ông Sunarto nói: "Môi trường sống của loài voi ngẫu nhiên lại cạnh tranh ráo riết với nhu cầu về dầu cọ bởi vì loài voi thường sống chủ yếu trong những khu vực đất thấp ẩm ướt được coi là lý tưởng cho việc trồng cây cọ.”
Ông Sunarto nói mặc dầu Indonesia đã chỉ định loài voi Sumatra là chủng loài được bảo vệ, không có mấy biện pháp được thực thi để bảo vệ môi trường sống của loài thú này.
Quỹ Dã Sinh Thế giới đã kêu gọi ban hành lệnh cấm tức khắc về việc bảo toàn môi trường sống.
Năm 2011, chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh cấm trong 2 năm về khai phá đất rừng mới, trong khuôn khổ một thỏa thuận 1 tỷ đôla với Na Uy để bảo vệ rừng và giảm thiểu khí thải có hiệu ứng nhà kính. Nhưng theo ông Sunarto, cho đến nay lệnh cấm này vẫn chưa kéo chậm được đà phá rừng ở Sumatra.
Thay vì cấm khai phá, ông nói một chương trình mới khích lệ tài chính đang được chính phủ đề nghị có thể tỏ ra là một biện pháp hữu hiệu hơn để bảo tồn thiên nhiên.
Ông Surnato nói thêm: “Chính phủ mới đây đã cho phép các công ty có những khu vực phục hồi thay vì cấp phép đốn gỗ cho một số khu rừng, do đó các chương trình loại này có thể được các công ty thực hiện để vẫn có thể kiếm lời đồng thời phục hồi các loài thú có nguy cơ tuyệt chủng.”
Voi Sumatra đã cùng với đười ươi Sumatra, tê giác Java và Sumatra và cọp Sumatra nằm trong một danh sách ngày càng nhiều các loài thú có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Indonesia. Các nhà khoa học cho rằng nếu khuynh hướng hiện thời về việc bảo tồn rừng tiếp tục, thì voi Sumatra có thể bị tuyệt chủng nơi hoang dã trong chưa đầy 30 năm nữa.
Quỹ Sinh vật Hoang dã Thế giới hôm nay thông báo loài voi Sumatra đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn và tình trạng của loài voi này đã được Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên đổi từ “có nguy cơ” qua “có nguy cơ nghiêm trọng.” Theo tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden từ Jakarta, việc phá rừng lấy đất canh tác là một nguyên do chính làm cho số voi trong rừng giảm mạnh.