Vào một buổi sáng chủ Nhật, trước sân vận động chính tại Jakarta, ông Yap Sungkono, thuộc nhóm Pháp Luân Công hướng dẫn một nhóm 20 thành viên tập luyện.
Một quyết định mới đây của Bộ Nội Vụ Indonesia không thừa nhận Pháp Luân Công, không ngăn được những cuộc tụ tập hàng tuần của họ. Nhưng ông Sungkono cho biết điều đó không cho nhóm ông tổ chức những cuộc biểu tình lớn.
Ông nói rằng nếu tổ chức những sự kiện lớn lao hơn, chẳng hạn như tổ chức diễn hành, thì họ sẽ gặp vấn đề, vì chính quyền khi đó luôn luôn chất vấn tính hợp pháp của họ.
Pháp Luân Công bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc vào những năm 1990. Họ thường ngồi thiền và có những động tác chậm rãi nhằm khơi dậy sự thức tĩnh tâm linh. Nhóm tuyên bố không hoạt động chính trị và cũng không phải là một tôn giáo. Rất nhiều thành viên Pháp Luân Công tại Indonesia là tín đồ Hồi giáo.
Cô Titi Rachman, cũng như nhiều người khác thường chạy bộ gần các hội viên Pháp Luân Công, xem hoạt động của nhóm là lành mạnh.
Cô nói tập dợt cơ thể và tinh thần là chuyện nên làm và nó cũng giống như môn Tai Chi hoặc Ngoại Đan Công mà thôi.
Hai môn này là cách tập luyện bắp thịt nhằm cải thiện quân bình và giúp tăng lực cho người già và đều là những hình thức tập dợt cổ truyền của Trung Quốc.
Những người theo Pháp Luân Công thường tập dợt tại những nơi công cộng khắp Indonesia, một phần là để tuyển mộ thành viên mới. Nhóm nói rằng họ có trên 7.000 thành viên tại Indonesia. Nhưng họ còn nhân dịp này để nâng cao nhận thức của mọi người về chuyện Pháp Luân Công đang bị Trung Quốc áp bức.
Thật ra những giới hạn mà Indonesia đặt ra với Pháp Luân Công không thấm vào đâu so với sự cấm đoán tại Trung Quốc.
Trung Quốc coi Pháp Luân Công như một giáo phái và đã cầm tù nhiều thành viên của phái này. Trung Quốc nói rằng không có sự đàn áp nhưng Liên Hiệp Quốc đã có nhiều bằng chứng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người theo Pháp Luân Công.
Con số thành viên Pháp Luân công đến từ Trung Quốc không có bao nhiêu tại Jakarta. Indonesia không cho họ thường trú và lao động trong khi chờ đợi được nhận qui chế tỵ nạn từ các nước khác.
Ông He Yungfeng, một trong những người kể trên, cho biết trước khi trốn khỏi Trung Quốc ông đã ngồi tù nhiều năm và bị công an tra tấn vì đã biểu lộ niềm tin của mình.
Ông kể rằng vào mùa đông, khi tiết trời lạnh giá, họ đã cởi quần áo của ông ra, đổ nước lạnh lên rồi dùng bàn chải chà xát đến độ da của ông gần như bị tróc ra hết.
Một giới chức Bộ Nội Vụ Indonesia nói rằng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc là một trong những lý do họ không thừa nhận Pháp Luân Công. Có những tư liệu của Bộ nói rằng Trung Quốc yêu cầu Indonesia cấm Pháp Luân Công hoạt động.
Ông Haris Azhar, người điều hợp nhóm nhân quyền Kontras, nói rằng áp lực của Trung Quốc với các nước nhằm trừng phạt các nhóm mà Bắc Kinh không ưa không phải là điều lạ. Nhưng ông cũng nói thêm, vì Indonesia là một nước dân chủ, chính phủ Indonesia nên bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, chứ không phải hạn chế họ. Ông nói:
“Chúng tôi đang lo là chính phủ sẽ không chịu bảo vệ an ninh cho họ, bảo vệ họ chống lại các nhóm khác muốn hành hạ họ.”
Ngoài ra, ông còn lo ngại rằng trước thế lực kinh tế của Trung Quốc gia tăng trong khu vực, Indonesia và nhiều nước khác sẽ tiếp tục trấn áp Pháp Luân Công hơn nữa để duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc.
Mới đây Indonesia lại từ chối cấp quy chế hoạt động cho nhóm Pháp Luân Công. Các tổ chức nhân quyền nói rằng việc hạn chế Pháp Luân Công tại Indonesia có lẽ là nhằm duy trì bang giao tốt với Trung Quốc, một trong những nước bạn hàng quan trọng nhất của Indonesia.