Cảnh sát Indonesia ngày 4/11 đàn áp cuộc biểu tình của hàng ngàn người Hồi giáo cực đoan với hơi cay và vòi rồng. Người biểu tình yêu cầu thống đốc Jakarta, một tín đồ Cơ Đốc Giáo, phải từ chức vì xúc phạm Hồi giáo.
Phát ngôn viên của cảnh sát cho biết có 1 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương.
Indonesia là nước có đông dân số theo Hồi giáo nhất trên thế giới, nhưng đa số theo hình thức Hồi giáo ôn hòa, và các cuộc biểu tình quy mô như thế này ít khi xảy ra.
Phe chỉ trích nói rằng cuộc biểu tình được một tổ chức cực đoan dàn dựng nhằm gây căng thẳng chính trị trước cuộc bầu chọn thống đốc Jakarta vào tháng 2 và rằng sở dĩ biểu tình lan rộng là vì chính phủ không kìm chế được.
Cảnh sát cho biết số người biểu tình tại trung tâm Jakarta lên đến khoảng 150.000 người vài giờ sau những buổi cầu nguyện thứ Sáu và tập trung quanh dinh Tổng thống Joko Widodo.
Vào xế chiều, đám đông trở nên hỗn loạn và ném đá vào cảnh sát. Có hai chiếc xe bị đốt và một đám cháy bùng phát gần Đài Tưởng niệm Quốc gia trong thành phố.
Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng. Đến nửa đêm hầu hết những người biểu tình bỏ đi.
Tuy nhiên, hàng trăm người cho biết sẽ cắm trại qua đêm bên cạnh tòa nhà quốc hội. Trong khi đó, ở phía bắc thủ đô, tin tức cho hay xảy ra một vụ đụng độ giữa cảnh sát và vài chục người biểu tình. Tin trên truyền thông xã hội cho thấy có một tiệm tạp hóa bị cướp phá.
Tổng thống Widodo nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau nửa đêm: “Chúng tôi thấy các chính trị gia đang lợi dụng tình thế”, ám chỉ đến vụ bạo động mà ông nói là xảy ra sau khi cuộc biểu tình đã giải tán.
Nhiều người biểu tình mặc áo dài và đội mũ Hồi giáo, kêu gọi thống đốc Basuki Tjahja Purnama từ chức. Là một người theo Cơ Đốc Giáo và là chính trị gia gốc Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo thành phố Jakarta 10 triệu dân, ông Purnama đang tái tranh cử, chạy đua với 2 ứng viên Hồi giáo khác.
Người gốc Hoa chiếm hơn 1% dân số 250 triệu người tại Indonesia và thường không tham gia chính trường.
Trong quá khứ, người thiểu số gốc Hoa tại Indonesia là nạn nhân bị đàn áp và bạo lực, đặc biệt trong thời kỳ xáo trộn chính trị và xã hội làm tê liệt Indonesia khi cựu Ttổng thống Suharto bị lật đổ.