Iran hôm 25/6 nói các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào nhà lãnh đạo tối cao Iran và bộ trưởng ngoại giao nước này “đã khép lại cánh cửa ngoại giao” giữa hai nước. Teheran quy lỗi cho Hoa Kỳ là đã từ bỏ con đường duy nhất dẫn đến hòa bình, chỉ vài ngày sau khi hai nước đối địch suýt nữa đã rơi vào xung đột quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/6 ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, và các nhân vật cấp cao khác. Các lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif dự kiến sẽ được áp đặt vào cuối tuần này.
Động thái này được đưa ra sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước, và sau khi ông Trump hủy một cuộc không kích trả đũa, chỉ 10 phút trước khi khai hỏa.
Nếu được tiến hành, thì cuộc không kích đó là lần đầu tiên Mỹ ném bom Iran trong nhiều thập kỷ đối đầu giữa 2 nước.
Ông Trump cho biết ông hủy lệnh tấn công vào phút cuối vì xét thấy quá nhiều người sẽ thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi, viết trên Twitter rằng “áp dụng các biện pháp trừng phạt vô ích đối với lãnh đạo tối cao và người đứng đầu ngành ngoại giao Iran là đóng cửa lâu dài con đường ngoại giao.”
“Chính quyền tuyệt vọng của ông Trump đang phá hủy các cơ chế quốc tế đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới,” ông Mousavi viết trên Twitter.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hassan Rouhani nói các biện pháp trừng phạt đối với giáo chủ Khamenei sẽ không có tác động thực tế vì ông không có tài sản ở nước ngoài.
Ông Rouhani, một người theo chủ nghĩa thực dụng đã giành chiến thắng trong hai lần bầu cử với những hứa hẹn sẽ mở cửa Iran với thế giới, mô tả các biện pháp của Mỹ là “tuyệt vọng” và cho rằng Nhà Trắng “chậm phát triển về tâm thần” – lời rủa mà các quan chức Iran đã sử dụng trong quá khứ để nói về ông Trump, nhưng lại là một bước rẽ đối với ông Rouhani, vốn là một người vẫn thận trọng trong lời lẽ hơn các quan chức khác.
Tổng thống Rouhani và nội các của ông điều hành công việc hàng ngày của chính phủ Iran, trong khi giáo chủ Khamenei, đã nắm quyền từ năm 1989, là thẩm quyền tối cao của Iran.
“Các hành động của Nhà Trắng cho thấy là họ chậm phát triển về trí tuệ,” ông Rouhani nói. “Sự kiên nhẫn chiến lược của Tehran không có nghĩa là chúng tôi sợ hãi.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo tình hình xung quanh Iran đang phát triển theo hướng một kịch bản nguy hiểm, theo hãng tin RIA của Nga.
Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran đã leo thang nhanh chóng từ tháng trước, khi chính quyền Trump thắt chặt các lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Lệnh cấm vận đã làm kiệt quệ nền kinh tế Iran, cắt đứt nguồn thu chính mà Tehran sử dụng để nhập khẩu lương thực cho 81 triệu dân, và đẩy phe nhóm thực dụng của Iran vào thế không được hưởng lợi ích nào để đánh đổi thỏa thuận về hạt nhân.
Vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ – mà Iran nói xảy ra trên không phận nước họ trong khi Mỹ khẳng định là trên không phận quốc tế – là đỉnh điểm của nhiều tuần căng thẳng gia tăng, và khởi sự mang kích thước quân sự.
Hoa Kỳ và một số đồng minh khu vực đã đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào nhiều tàu chở dầu ở vùng Vịnh, điều mà Tehran phủ nhận. Các đồng minh châu Âu của Washington liên tục cảnh báo cả hai bên về nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh.
Washington nói mục đích của việc áp đặt các chế tài là nhằm buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán. Tehran nói họ sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới trước, mặc dù các tuyên bố của Iran đưa ra hôm 25/6 dường như có vẻ cứng rắn hơn lập trường vừa kể.