Tiến trình chính trị vẫn còn mong manh của Iraq lại gặp thêm một thoái bộ khác, sau khi có một quyết định của ngành tư pháp, loại trừ 52 người đã ra ứng cử hồi tháng 3.
Ông Ali Faisal al Lani, một thành viên của Quốc hội chịu trách nhiệm thanh trừng các thành viên của đảng Ba'ath, nói rằng các ứng cử viên bị thanh trừng vẫn có quyền chống lại quyết định này.
Ông nói rằng tòa phúc thẩm đã thông báo cho ủy ban bầu cử về quyết định này, và các đảng có ứng cử viên bị cấm không thể giữ lại số phiếu mà họ đã nhận được trong cuộc bầu cử, và như vậy, kết quả bầu cử sẽ thay đổi. Các ứng cử viên có một tháng để kháng án.
Dựa vào quyết định này, cán cân quyền lực sẽ thay đổi giữa hai ứng cử viên dẫn đầu, là cựu Thủ tướng Iyad Allawi và đương kim Thủ tướng Nouri al Maliki.
Ông Allawi nhận được 91 ghế, trong khi ông Maliki có 89 ghế, và trên lý thuyết ông Allawi sẽ là người đứng ra thành lập chính phủ kế tiếp tại Iraq.
Ông Sa'ad al Rawi, một thành viên của Ủy ban Bầu cử, nói với đài truyền hình Al Arabiya ông không nghĩ rằng quyết định này sẽ làm thay đổi nghiêm trọng kết quả bầu cử, bởi vì trong số 53 ứng cử viên bị cấm, chỉ có 1 người thuộc liên minh của ông Allawi.
Vẫn theo lời ông, ủy ban bầu cử sẽ phải kiểm lại số phiếu trong đơn vị của 52 ứng cử viên bị cấm, tuy nhiên ông không chịu xác nhận là liệu một chính đảng có thể giữ được ghế của ứng viên bị loại bằng cách thay một người khác cũng từ đảng đó hay không.
Ông Faraj al Haidari, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử cũng thảo luận về việc kiểm lại một phần số phiếu tại Baghdad trong cuộc bầu cử hồi tháng 3. Ông nói ủy ban cần được hướng dẫn thêm về cách tiến hành việc kiểm lại phiếu này.
Ông Peter Harling, chuyên viên của tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng, trụ sở ở Damascus, nói rằng tiến trình chính trị của Iraq sẽ tiếp tục vận hành:
“Trong giai đoạn này, tôi cho rằng điều mà chúng ta đang chứng kiến có phần chắc sẽ là những màn điều đình gay go về chuyện ai sẽ là Thủ tướng, và thành phần chính phủ sẽ gồm những ai. Tôi nghĩ mọi người đang sẵn sàng, mọi người đang tỏ dấu hiệu cố gắng tìm ra nhiều công thức chia quyền. Nhưng tất cả những điều đó đều nằm trong bối cảnh của khung sườn chính trị đang được nhiều người chấp nhận hiện nay. Một trong những điều quan trọng của năm nay là liệu hệ thống chính trị hiện hành trong vài tháng nữa có tiếp tục được chấp nhận hay bị bác bỏ bởi một số đáng kể thành phần cử tri trong nước.”
Chuyên viên Harling còn nói rằng lực lượng nổi dậy hoặc kháng cự còn sót lại bây giờ đang suy yếu và chia rẽ, so với cách nay vài năm, mặc dù gần đây đã có một vài vụ tấn công.
Trong khi đó, có nhiều người am tường thời cuộc lo ngại sẽ có thể xảy ra một đợt bạo động phe phái mới, trước tình hình kết quả bầu cử vừa qua chưa ngã ngũ, tạo một khoảng trống quyền lực trong lúc các chính trị gia đang kèn cựa nhau đòi quyền lập chính phủ mới.
Một ủy ban quốc hội Iraq có nhiệm vụ loại trừ các thành viên của đảng Ba'ath ra khỏi sinh hoạt chính trị đã ra lệnh cấm 52 ứng cử viên đã ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 7 tháng 3.