Giữa lúc các lực lượng liên quân tiến về hướng thành phố Mosul của Iraq, những người chứng kiến báo cáo rằng Nhà nước Hồi giáo đã bắt thường dân ở các làng chung quanh làm bia đỡ đạn cho chúng trong khi nhóm này tìm cách bảo vệ khu đô thị lớn cuối cùng ở Iraq còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ.
Cho đến nay, chiến dịch quân sự do Iraq dẫn đầu đã tham gia tái chiếm các ngôi làng trên đường tiến về Mosul từ hướng nam, đông và bắc. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân đã rời bỏ nhà cửa của họ bên trong và xung quanh thành phố Mosul, làm dấy lên quan ngại về tình trạng an sinh của họ, và về sự hiện hữu của các nguồn lực cần thiết cho công tác cứu trợ nhân đạo.
Hôm thứ Năm, Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) bày tỏ quan tâm về các lực lượng người Kurd, thành phần đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tấn công, và điều mà HRW cho là các vụ “giam giữ tùy tiện” do người Kurd thực hiện.
HRW dẫn lời những người bị bắt giữ, gồm đàn ông và thiếu niên trên 15 tuổi, trong khi họ đang tìm cách chạy khỏi Mosul. Họ bị cách ly khỏi gia đình để được điều tra xem có liên hệ gì với Nhà nước Hồi giáo hay không. Tiến trình này có thể kéo dài vài tuần. Phúc trình của HRW tường thuật rằng các giới chức Kurd lưu ý rằng họ đã có “những nỗ lực nghiêm túc” để tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong thủ tục kiểm tra an ninh.
Bà Lama Fakih, giám đốc HRW đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi, nói tiến trình thanh lọc là điều dễ hiểu, nhưng bắt bớ đàn ông và thiếu niên từ 15 tuổi trở lên vì họ đã từng sinh sống trong các lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát, là phân biệt đối xử.
Bà nói:
“Xét những gì mà những người này đã phải chịu đựng, công tác thanh lọc lý lịch cần được tiến hành một cách nhanh chóng và trong tinh thần tôn trọng quyền cá nhân”.
Cũng hôm Thứ năm, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết cơ quan này và giới hữu trách Y tế Iraq đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với làn sóng người chạy nạn đang tìm cách thoát ra khỏi Mosul, kể cả đưa 46 trạm y tế di động tới các khu vực có nhu cầu trên toàn Iraq.
WHO cho biết thuốc men và vật phẩm y tế khác dành cho 350.000 người đã được bố trí sẵn, và công tác này vẫn tiếp tục. Vào lúc bắt đầu chiến dịch tái chiếm Mosul, các giới chức Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo là có đến 200.000 người có thể dời cư trong những tuần đầu tiên. Và trong trường hợp xấu nhất, đến 1 triệu người có thể bỏ nhà cửa.
Quân Nhà nước Hồi giáo chiếm Mosul vào giữa năm 2014 khi họ chiếm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền bắc và miền tây Iraq.
Ông Altaf Musani, đại diện WHO tại Iraq, cho biết kể từ đó hơn 1,5 triệu người ở Mosul gặp khó khăn hoặc không thể tiếp cận dịch vụ cứu trợ. Thiếu nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh, trẻ em không được tiêm ngừa vắc xin đã nâng cao nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ông cảnh giác nhu cầu nhân đạo sẽ tăng đáng kể, và làn sóng di cư khỏi Mosul trong thời gian tới có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng y tế khác nữa tại Iraq”.