Trong lúc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục diễn ra ác liệt, nhiều người Do Thái trên khắp thế giới phải đối mặt với mối đe dọa quen thuộc: chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng.
Từ New York đến London, St. Louis đến Sydney, các cộng đồng Do Thái đang chống chọi với sự căm ghét và cố chấp thường bùng lên mỗi khi Trung Đông dậy sóng.
Bà Heidi Beirich, đồng sáng lập Dự án Toàn cầu Chống Thù hận và Chủ nghĩa Cực đoan, nói: “Có một thực tế đáng buồn là bất cứ khi nào xung đột nảy sinh giữa Israel và người Palestine, người Do Thái ở mọi nơi trên thế giới sẽ phải hứng chịu bạo lực thù hận ở một mức độ nào đó”.
Israel đã rơi vào cơn ác mộng đẫm máu hôm 7/10 khi các chiến binh Hamas bất ngờ tấn công dữ dội, giết chết ít nhất 1.000 người Israel, làm bị thương hơn 2.000 người và bắt khoảng 150 người làm con tin.
Ông Brian Levin, một nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan nổi tiếng và là giáo sư danh dự tại Đại học San Bernardino tiểu bang California, cho biết cuộc tàn sát này là “vụ thảm sát người Do Thái trong một ngày thảm khốc nhất kể từ thời Holocaust.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ tấn công là “một hành động cực kỳ xấu xa”.
Theo Bộ Y tế Gaza, các cuộc không kích trả đũa của Israel nhắm vào các mục tiêu ở Gaza cũng gây chết người không kém, khiến ít nhất 1.100 người Palestine thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương.
Mối đe dọa gia tăng
Trong khi cuộc tấn công tàn bạo của Hamas đã khơi dậy sự đồng cảm với Israel, nó cũng làm dấy lên làn sóng đe dọa trực tuyến chống lại người Do Thái, đe dọa các định chế của người Do Thái và phô bày trắng trợn các biểu tượng chống Do Thái.
Các mối đe dọa chống Do Thái trên Telegram, một nền tảng phổ biến với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đã tăng lên ở mức đáng báo động 488% trong 18 giờ đầu tiên của ngày 7/10, theo Liên đoàn Chống Phỉ báng ADL, tổ chức dân quyền Do Thái lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Ngoài đời thực, đã có những báo cáo lẻ tẻ về các vụ chống Do Thái. Tại thành phố Salt Lake, Utah, một giáo đường Do Thái buộc phải sơ tán sau khi có lời đe dọa đánh bom. Cảnh sát đang điều tra các mối đe dọa nhắm vào một số giáo đường Do Thái trong tiểu bang.
Ở St. Louis, Missouri, một hình chữ Vạn được phun sơn lên thành xe tải. Cảnh sát cho biết họ đang điều tra vụ việc như một hành động phá hoại bài Do Thái.
Và ở London, một nhà hàng kosher đã bị bôi bẩn ở khu Golders Green của thành phố. Thị trưởng Sadiq Khan nói: “Sẽ không có sự khoan dung đối với thù hận.”
Theo tổ chức Community Security Trust, bốn ngày đầu tiên của cuộc xung đột đã chứng kiến sự gia tăng hơn 300% các vụ bài Do Thái ở Vương quốc Anh.
Theo các chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan, các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp thế giới đôi khi mang hơi hướng bài Do Thái.
Tại thành phố New York, người ta nhìn thấy một người biểu tình tham dự cuộc tuần hành ủng hộ Hamas hôm 8/10 tung hê chữ Vạn, khiến Thị trưởng Eric Adams lên án.
Tại Sydney, đoạn phim chưa được xác minh do Hiệp hội Do Thái Úc phân phối dường như cho thấy một nhóm người biểu tình bên ngoài Nhà hát Opera Sydney hét lên, “Hãy cho người Do Thái hít hơi ngạt.” Cảnh sát đang điều tra vụ việc.
Biểu tình ủng hộ Hamas ở Mỹ
Ủy ban Do Thái Mỹ AJC cho biết họ đã ghi nhận khoảng chục cuộc biểu tình ủng hộ Hamas ở một số thành phố của Mỹ, bao gồm New York, Washington, Philadelphia, San Francisco và Chicago.
Bà Holly Huffnagle, giám đốc phụ trách chống chủ nghĩa bài Do Thái của AJC tại Mỹ, cho biết nhóm AJC ủng hộ quyền của người Palestine nhưng cảnh báo rằng các cuộc biểu tình đang mở rộng từ chỉ trích Israel đến chủ nghĩa bài Do Thái và âm mưu chống lại người Do Thái.
Bà nói: “Đây là sự ủng hộ cho Hamas với tư cách là một tổ chức khủng bố.”
Phát biểu trước một nhóm lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái vào chiều 11/10, Tổng thống Biden thừa nhận cuộc chiến ở Israel đã dẫn đến sự gia tăng lòng căm thù và chủ nghĩa bài Do Thái.
Có sự tham gia của ông Doug Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Kamala Harris, một người Do Thái và là người đứng đầu Tòa Bạch Ốc trong việc chống chủ nghĩa bài Do Thái, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang thực hiện “những hành động có ý nghĩa… để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và sự căm thù”.
Với việc Israel đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn trên bộ vào Gaza và chưa có hồi kết, các chuyên gia dự đoán sẽ có sự gia tăng các vụ việc chống Do Thái trong những ngày tới khi xung đột ngày càng gia tăng.
Ông Arie Perliger, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tội phạm và Tư pháp thuộc Đại học Massachusetts, nói: “Xét rằng sự leo thang hiện tại sẽ kéo dài và dữ dội nhất, chúng ta nên dự kiến sự gia tăng đáng kể của chủ nghĩa bài Do Thái so với những lần leo thang xung đột trước đây”.
Các cuộc tấn công gia tăng
Ông Levin nói, sự gia tăng gần đây của các cuộc tấn công chống Do Thái không phải là hiện tượng cá biệt mà là một phần của mô hình lâu đời.
Theo nghiên cứu của ông Levin, vào tháng 10 năm 2000, các cuộc biểu tình bạo lực ở Israel đã gây ra sự gia tăng đột biến 152% về tội phạm căm thù người Do Thái ở Hoa Kỳ.
Vào tháng 5 năm 2021, các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas đã dẫn đến tỷ lệ tội phạm căm thù chống người Do Thái ở Thành phố New York tăng 187% và tỷ lệ căm thù bài Do Thái ở Los Angeles tăng gần gấp 4 lần.
Ông Levin nói: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đột biến ở London và thực sự, gần như mọi quốc gia lớn ở châu Âu báo cáo tội ác căm thù bài Do Thái trong năm 2021 đều cho thấy sự gia tăng”.
Liên đoàn Chống Phỉ báng ADL đã báo cáo vào đầu năm nay rằng các vụ tấn công, phá hoại và quấy rối nhắm vào người Do Thái ở Hoa Kỳ đã tăng lên “mức độ lịch sử” mới vào năm 2022.
Ông Tom Copeland, giám đốc nghiên cứu tại Viện Centennial thuộc Đại học Cơ đốc Colorado, cho biết năm 2023 là một năm kỷ lục nữa về hoạt động chống Do Thái.
Ông Copeland nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đó là một xu hướng lâu dài ở Mỹ cũng như ở Anh. Vì vậy, có vẻ như từ cuối tuần này, chắc chắn trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Telegram [và] ở một mức độ nhất định trên TikTok, tất cả những tiếng nói chống Do Thái lại nổi lên một lần nữa.”
Nhưng người Do Thái không phải là mục tiêu duy nhất bị căm ghét khi bạo lực bùng phát ở Trung Đông.
Năm 1985, nhà hoạt động người Palestine Alex Odeh bị giết ở California bởi một quả bom ống được cho là do những người Do Thái cực đoan ở Mỹ gây ra. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Năm 1994, kẻ cực đoan người Mỹ gốc Do Thái Baruch Goldstein đã giết chết 29 tín đồ Hồi giáo và làm bị thương 125 người khác trong một nhà thờ Hồi giáo ở Hebron ở Bờ Tây.
Cuộc xung đột gần đây cũng đã tạo ra những hành động bài trừ Hồi giáo riêng lẻ. Hôm 10/10, một tấm biển tại một học viện tôn giáo Hồi giáo ở Boston đã bị bôi bẩn với dòng chữ “Đức Quốc xã”, làm dấy lên lời kêu gọi điều tra tội phạm căm thù.
Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ hôm 11/10 cho biết họ đã nhận được rất nhiều báo cáo về việc các sinh viên Palestine và Hồi giáo phải đối mặt với sự quấy rối vì vận động thay mặt cho các vùng lãnh thổ của Palestine.
Ông Levin lưu ý rằng bạo lực ở Trung Đông thường gây ra ít tội ác chống người Hồi giáo hơn so với các vụ việc chống người Do Thái. Nhưng lần này, ông cảnh báo về một phản ứng dữ dội chống lại người Hồi giáo và người Ả Rập khi người Mỹ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công và bắt cóc.
Bà Maha Elgenaidi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Nhóm Mạng lưới Hồi giáo có trụ sở tại California, đã lên án những hành động bài Do Thái gần đây là “khủng khiếp”.
Bà Elgenaidi, một người Mỹ gốc Ai Cập, cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng nó đang thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái luôn tồn tại ở Hoa Kỳ và khắp châu Âu”.
Bà nói rằng mặc dù đối thoại là chìa khóa để hàn gắn rạn nứt giữa người Do Thái và người Hồi giáo, nhưng nỗi đau gây ra cho cả hai bên là quá mới mẻ để có thể thực hiện một cuộc trò chuyện liên tôn giáo.
Bà nói: “Rất nhiều người mà tôi biết có gia đình ở Gaza và họ đã bị tổn thương trực tiếp và điều tương tự xảy ra với những người bạn Do Thái mà tôi đã nói chuyện cùng”.