Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, hôm 11/1 lên án vụ Nam Phi kiện Israel ra Tòa án Thế giới về hành vi diệt chủng ở Gaza là “đạo đức giả và dối trá”, vào lúc một số cư dân Gaza quay trở lại nhà cửa của họ ở phía bắc Gaza trong quang cảnh hoang tàn, nơi lực lượng Israel đã bắt đầu rút lui.
Ba tháng ném bom của Israel đã khiến phần lớn vùng đất ven biển trở thành bình địa, giết chết hơn 23.000 người và khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người Palestine phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc phong tỏa của Israel đã hạn chế nghiêm trọng nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, tạo ra điều mà Liên hiệp quốc mô tả là một thảm họa nhân đạo.
Israel nói cách duy nhất để tự vệ là tiêu diệt Hamas, nhóm Hồi giáo cai trị Gaza. Các chiến binh của nhóm này đã tấn công vào các cộng đồng Israel hôm 7/10/2023, giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin. Israel đổ lỗi cho Hamas về mọi tổn hại sau đó đối với thường dân Palestine, điều mà các chiến binh Hamas phủ nhận.
Vụ án do Nam Phi đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) còn gọi là Tòa án Thế giới ở La Haye, cáo buộc Israel vi phạm công ước diệt chủng năm 1948, được ban hành sau vụ giết hàng loạt người Do Thái trong Holocaust, vốn yêu cầu tất cả các nước phải đảm bảo tội ác đó không bao giờ lặp lại.
Ông Tembeka Ngcukaitobi, biện hộ cho Tòa án Tối cao Nam Phi, nói trước tòa án ở La Haye: “Israel có ý định diệt chủng chống lại người Palestine ở Gaza”. “Ý định tiêu diệt Gaza đã được nuôi dưỡng ở cấp cao nhất của nhà nước.”
Nam Phi đã yêu cầu tòa án ra lệnh sơ bộ để yêu cầu Israel ngừng chiến tranh ngay bây giờ, trong khi tòa án sẽ xét xử toàn bộ nội dung vụ việc trong những tháng tới.
Trong một phản ứng mạnh mẽ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng “sự đạo đức giả của Nam Phi lên thấu trời xanh”.
Ông nói: “Chúng tôi đang chiến đấu với những kẻ khủng bố, chúng tôi đang chiến đấu với những lời dối trá… Hôm nay chúng tôi đã chứng kiến một thế giới đảo lộn. Israel bị buộc tội diệt chủng trong khi họ đang đấu tranh chống lại nạn diệt chủng”.
Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc Nam Phi “hành động như cánh tay hợp pháp của tổ chức khủng bố Hamas” trong một vụ án được xây dựng dựa trên “những tuyên bố sai lầm và vô căn cứ”.
Người Palestine cho biết họ hy vọng tòa án sẽ chấm dứt chiến tranh.
Vụ án cho thấy sự phân cực quốc tế rõ ràng. Một số nước phương Tây đã cùng với Washington gọi những cáo buộc diệt chủng chống lại Israel là vô căn cứ, đặc biệt là do sự tàn nhẫn của các cuộc tấn công của Hamas đã dẫn đến chiến tranh.
Nhưng một số quốc gia đang phát triển, bao gồm cả cường quốc Brazil, lại ủng hộ Nam Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng đất nước của ông bị buộc phải đưa ra vụ việc bởi “cuộc tàn sát đang diễn ra đối với cư dân Gaza” và lịch sử phân biệt chủng tộc của chính Nam Phi.
Cảnh tượng hoang tàn
Kể từ đầu năm mới, Israel đã công bố một giai đoạn mới trong cuộc chiến, bắt đầu rút quân ở nửa phía bắc Dải Gaza, nơi cuộc tấn công của họ bắt đầu. Mặc dù vậy, giao tranh gia tăng ở các khu vực phía nam.
Sự yên tĩnh tương đối ở phía bắc đã cho phép cư dân bắt đầu quay trở lại các thành phố đã bị xóa sổ.
Ông Yousef Fares, một nhà báo tự do, đã tự quay phim đi bộ qua một vùng đất hoang được bao quanh bởi những tàn tích cháy xém từng là một phần của Thành phố Gaza, nơi sinh sống của gần một triệu người. Một vài thường dân đi ngang qua, một số đi xe đạp trên con đường băng qua bùn.
Ông nói: “Tất cả những ngôi nhà bạn nhìn thấy đều bị phá hủy, hoàn toàn hoặc một phần”.
“Bây giờ chúng tôi đang ở nghĩa trang cũ Tuffah, đã hơn 100 năm tuổi. Tất cả những ngôi mộ đó đã bị khai quật, chúng đã bị xe ủi và xe tăng của Israel cán qua. Mọi người đang đến từ nhiều khu vực khác nhau của Thành phố Gaza để tìm kiếm thi thể các con trai của họ.”
Trong khi Washington ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel với lý do được biện minh bằng quyền tự vệ của nước này, họ cũng kêu gọi đồng minh của mình giảm quy mô chiến tranh, làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường và duy trì hy vọng về một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm khu vực, gặp gỡ các quan chức Israel và Palestine cũng như lãnh đạo các quốc gia Ả Rập láng giềng, bênh vực chiến dịch của Israel nhằm tiêu diệt Hamas nhưng thúc đẩy nước này hợp tác với Chính quyền Palestine (PA).
Ông nói trong chuyến viếng thăm Ai Cập rằng, đưa ra một con đường dẫn đến một nhà nước Palestine là cách tốt nhất để ổn định khu vực rộng lớn hơn và cô lập Iran cũng như các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
Ông cũng được thông báo về tiến triển khi Ai Cập cùng với Qatar cố gắng làm trung gian giữa Hamas và Israel để môi giới lệnh ngừng bắn và đảm bảo thả hơn 130 con tin Israel vẫn đang bị giam giữ tại vùng đất Palestine, theo thống kê của Israel.