Quân đội Israel cho biết hôm 25/8 rằng vắc-xin bại liệt cho hơn 1 triệu người đã được chuyển đến Gaza, sau ca đầu tiên được xác nhận mắc bệnh này tại vùng lãnh thổ này trong vòng một phần tư thế kỷ.
Hiện vẫn chưa rõ cách thức hoặc tốc độ phân phối hơn 25.000 lọ vắc-xin tại Gaza, nơi giao tranh và bất ổn đang diễn ra đã thách thức các nỗ lực nhân đạo trong hơn 10 tháng chiến tranh.
Người ta nghi ngờ có thêm các ca bại liệt khác trên khắp vùng lãnh thổ bị tàn phá nặng nề này sau khi virus được phát hiện thấy trong nước thải tại sáu địa điểm khác nhau vào tháng 7.
Các nhóm cứu trợ có kế hoạch tiêm vắc-xin cho hơn 600.000 trẻ em dưới 10 tuổi và đã kêu gọi tạm dừng chiến tranh khẩn cấp để tăng cường tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan nhi đồng của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất phải tạm dừng cuộc xung đột trong bảy ngày.
Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu đưa 1,6 triệu liều vắc-xin bại liệt vào Gaza, nơi hàng trăm nghìn người Palestine phải di dời đang sống chen chúc trong các trại lều không có nước sạch hoặc hệ thống xử lý nước thải và rác thải đúng cách. Đôi khi, các gia đình sử dụng nước thải để uống hoặc rửa bát đĩa.
Bại liệt rất dễ lây lan và chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với phân, nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm. Bệnh có thể gây khó thở và tê liệt không thế hồi phục, thường ở chân. Bệnh tấn công trẻ nhỏ và đôi khi gây tử vong.
Tuyên bố mới của cơ quan quân sự Israel chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự của người Palestine cho biết 5 xe tải có thiết bị làm lạnh đặc biệt để bảo quản vắc-xin đã được đưa vào Gaza hôm 23/8 theo sự phối hợp của Liên Hợp Quốc. Các loại vắc-xin đã đến nơi hôm 25/8.
Tuyên bố cho biết các nhóm y tế quốc tế và địa phương sẽ tiến hành tiêm chủng tại "nhiều địa điểm khác nhau" ở Gaza, phối hợp với quân đội Israel như một phần của "các đợt tạm dừng nhân đạo thường lệ" để mọi người có thể đến các trung tâm y tế.
Tuyên bố cho biết hơn 282.000 lọ vắc-xin bại liệt đã được đưa vào Gaza kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào đầu tháng 10.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của vùng lãnh thổ này đã bị tàn phá và nhân viên y tế bị quá tải. Theo Liên Hợp Quốc, chỉ có khoảng một phần ba trong số 36 bệnh viện và 40% các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu của Gaza đang hoạt động. Nhưng WHO và UNICEF cho biết chiến dịch tiêm chủng của họ sẽ được thực hiện tại mọi thành phố ở Gaza, với sự hỗ trợ của 2.700 nhân viên y tế.
Trước chiến tranh, 99% dân số Gaza đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh bại liệt. Con số đó hiện là 86%, theo WHO.