JERUSALEM —
Việc Tổng thống Barack Obama tái đắc cử đã khiến dư luận tập trung sự chú ý vào mối quan hệ cá nhân đôi khi căng thẳng giữa ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhân vật đã không giấu diếm lập trường ủng hộ cho đối thủ của Tổng Thống Obama. Hai nhà lãnh đạo đã từng bất đồng về các vấn đề chủ yếu liên quan tới Trung Đông và một số người Israel đang đặt nghi vấn về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Israel, vốn rất mật thiết theo truyền thống.
Một vài giờ sau khi ông Obama được tuyên bố là người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm thứ Ba, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tức thời hành động để kiềm chế những thiệt hại về ngoại giao.
Ông cho vời Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel Dan Shapiro đến để công khai chúc mừng Tổng Thống Obama về thắng lợi của ông. Ông tuyên bố:
"Mối quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Israel rất vững chắc và tôi mong sẽ được làm việc với Tổng thống Obama để tăng cường hơn nữa mối quan hệ này. Tôi nóng lòng được làm việc với ông để thăng tiến các mục tiêu của chúng ta hướng tới hòa bình và an ninh."
Trong một sự kiện truyền thông rõ ràng đã được dàn dựng trước, Đại sứ Shapiro đáp trả Thủ Tướng Netanyahu bằng những lời lẽ tương tự:
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Tổng thống Obama đã may mắn có được một mối quan hệ hợp tác an ninh và phối hợp chặt chẽ với Ngài và chính phủ của Ngài, và tôi biết rằng ông mong muốn sẽ được tiếp tục mối quan hệ ấy trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông".
Những tuyên bố vừa kể được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng các quan hệ giữa hai bên sẽ xấu đi vì những căng thẳng và bất bình giữa cá nhân Thủ Tướng Netanyahu và Tổng Thống Obama.
Đối thủ của ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney, là một người bạn của cá nhân ông Netanyahu. Và hầu như ai cũng biết là ông Netanyahu tin rằng một chính phủ Mỹ dưới quyền Tổng thống Romney, nếu ông này đắc cử, sẽ tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho Israel.
Ông Gideon Rehat, Giáo sư giảng dạy tại Viện nghiên cứu Dân chủ Israel và Đại học Hebrew, nói rằng một số người chỉ trích ông Netanyahu tố cáo ông là đã can thiệp vào nội tình Hoa Kỳ, và phương hại tới nền an ninh tương lai của nhà nước Isarel. Ông nói:
"Vì ông Netanyahu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, hoặc ít ra đó là lập trường của giới chỉ trích, quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama sẽ gặp khó khăn, tôi không chắc liệu sự thể ấy có tác động tới các quan hệ toàn diện giữa hai bên hay không, nhưng đây không phải là một điểm khởi đầu tốt đẹp."
Một số nhà phân tích nhận định rằng trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông, Tổng Thống Obama sẽ không còn lo ngại về những người mạnh mẽ ủng hộ Israel, thành phần có nhiều thế lực, trong cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ. Điều đó sẽ cho phép Hoa Kỳ tăng sức ép với Israel để tái khởi động các cuộc hoà đàm Israel-Palestine đã bị trì hoãn bấy lâu.
Các cuộc đàm phán đã lâm vào bế tắc vì những đòi hỏi của Palestine, yêu cầu chính phủ Israel đình chỉ việc xây dựng các khu định cư mới ở vùng Bờ Tây - bị Israel chiếm đóng, và đòi Israel trả tự do cho các tù nhân chính trị Palestine.
Chính phủ của Thủ Tướng Netanyahu nói họ sẵn sàng tái tục các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.
Các nhà phân tích nhận định rằng nhiều Tổng thống Mỹ, kể cả các ông Jimmy Carter, Bill Clinton và George Bush, đã thúc đẩy được tiến trình hòa bình Israel-Palestine trong nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì của họ, bằng cách áp lực cả hai phía phải chấp nhận những bước tương nhượng đầy khó khăn.
Bình luận gia chính trị Danny Rubinstein, còn là Giáo sư của Đại học Bar-Ilan, lưu ý rằng Đảng Likud, chính đảng bảo thủ của ông Netanyahu hồi gần đây đã hiệp lực với đảng cực hữu Yisrael Beiteinyu.
Ông nói sự kiện này có thể cản trở các cuộc đàm phán với Palestine trong tương lai:
"Ước mơ - có lẽ hão huyền của tôi là một nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì sẽ giúp đổi mới tiến trình hòa bình. Nhưng tôi không chắc ông Netanyahu có thể thực hiện điều đó. Nếu ta tham gia các cuộc đàm phán, thì ta phải sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ. Ông Netanyahu không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào. Và thành phần cử tri bầu ông lên không sẵn sàng đưa ra những bước nhượng bộ".
Iran là một vấn đề khác gây bực dọc giữa Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng của Israel.
Trong giới các quan chức Israel đang diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt liệu và có nên tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không, nếu nước này không đình chỉ các nỗ lực của mình để chế tạo vũ khí hạt nhân, như họ bị cáo buộc. Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm các mục đích hoà bình.
Ông Netanyahu đã nhiều lần cảnh cáo rằng chẳng còn nhiều thời gian nữa. Nhưng Hoa Kỳ đã yêu cầu Israel nên kiên nhẫn để cho phép các biện pháp cấm vận của các nước phương Tây buộc Iran phải thay đổi hướng đi của họ. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng quan điểm bất đồng này về phần lớn đã được xoa dịu trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên Giáo sư Rehat nói việc Tổng Thống Obama tái đắc cử để giữ thêm một nhiệm kỳ nữa có thể trở thành vấn đề giữa lúc chiến dịch vận động dẫn tới cuộc tổng tuyển cử tại Israel tổ chức vào tháng Giêng sang năm đang lấy đà:
"Thực tế là thắng lợi của Tổng Thống Obama có thể sẽ bị các đối thủ của Likud và ông Netanyahu sử dụng để chỉ trích đảng này và Thủ Tướng Netanyahu. Họ sẽ lập luận rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ rất quan trọng đối với Israel. Và ông Netanyahu không phải là người thích hợp để làm công việc lãnh đạo nữa, bởi ông Netanyahu rõ rệt ủng hộ ông Romney và ông Romney thì đã thất bại. "
Giáo sư Rehat nói các chính khách có lập trường trung hòa và cánh tả tại Israel là những người hài lòng nhất về sự tái đắc cử của Tổng Thống Obama, tuy nhiên họ vẫn phải đối mặt với một cuộc đấu tranh đầy cam go trong cố gắng đánh bại liên minh cánh hữu của ông Netanyahu.
Một vài giờ sau khi ông Obama được tuyên bố là người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm thứ Ba, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tức thời hành động để kiềm chế những thiệt hại về ngoại giao.
Ông cho vời Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel Dan Shapiro đến để công khai chúc mừng Tổng Thống Obama về thắng lợi của ông. Ông tuyên bố:
"Mối quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Israel rất vững chắc và tôi mong sẽ được làm việc với Tổng thống Obama để tăng cường hơn nữa mối quan hệ này. Tôi nóng lòng được làm việc với ông để thăng tiến các mục tiêu của chúng ta hướng tới hòa bình và an ninh."
Trong một sự kiện truyền thông rõ ràng đã được dàn dựng trước, Đại sứ Shapiro đáp trả Thủ Tướng Netanyahu bằng những lời lẽ tương tự:
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Tổng thống Obama đã may mắn có được một mối quan hệ hợp tác an ninh và phối hợp chặt chẽ với Ngài và chính phủ của Ngài, và tôi biết rằng ông mong muốn sẽ được tiếp tục mối quan hệ ấy trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông".
Những tuyên bố vừa kể được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng các quan hệ giữa hai bên sẽ xấu đi vì những căng thẳng và bất bình giữa cá nhân Thủ Tướng Netanyahu và Tổng Thống Obama.
Ông Gideon Rehat, Giáo sư giảng dạy tại Viện nghiên cứu Dân chủ Israel và Đại học Hebrew, nói rằng một số người chỉ trích ông Netanyahu tố cáo ông là đã can thiệp vào nội tình Hoa Kỳ, và phương hại tới nền an ninh tương lai của nhà nước Isarel. Ông nói:
"Vì ông Netanyahu can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, hoặc ít ra đó là lập trường của giới chỉ trích, quan hệ cá nhân giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama sẽ gặp khó khăn, tôi không chắc liệu sự thể ấy có tác động tới các quan hệ toàn diện giữa hai bên hay không, nhưng đây không phải là một điểm khởi đầu tốt đẹp."
Một số nhà phân tích nhận định rằng trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông, Tổng Thống Obama sẽ không còn lo ngại về những người mạnh mẽ ủng hộ Israel, thành phần có nhiều thế lực, trong cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ. Điều đó sẽ cho phép Hoa Kỳ tăng sức ép với Israel để tái khởi động các cuộc hoà đàm Israel-Palestine đã bị trì hoãn bấy lâu.
Các cuộc đàm phán đã lâm vào bế tắc vì những đòi hỏi của Palestine, yêu cầu chính phủ Israel đình chỉ việc xây dựng các khu định cư mới ở vùng Bờ Tây - bị Israel chiếm đóng, và đòi Israel trả tự do cho các tù nhân chính trị Palestine.
Chính phủ của Thủ Tướng Netanyahu nói họ sẵn sàng tái tục các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.
Bình luận gia chính trị Danny Rubinstein, còn là Giáo sư của Đại học Bar-Ilan, lưu ý rằng Đảng Likud, chính đảng bảo thủ của ông Netanyahu hồi gần đây đã hiệp lực với đảng cực hữu Yisrael Beiteinyu.
Ông nói sự kiện này có thể cản trở các cuộc đàm phán với Palestine trong tương lai:
"Ước mơ - có lẽ hão huyền của tôi là một nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhì sẽ giúp đổi mới tiến trình hòa bình. Nhưng tôi không chắc ông Netanyahu có thể thực hiện điều đó. Nếu ta tham gia các cuộc đàm phán, thì ta phải sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ. Ông Netanyahu không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào. Và thành phần cử tri bầu ông lên không sẵn sàng đưa ra những bước nhượng bộ".
Iran là một vấn đề khác gây bực dọc giữa Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng của Israel.
Trong giới các quan chức Israel đang diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt liệu và có nên tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không, nếu nước này không đình chỉ các nỗ lực của mình để chế tạo vũ khí hạt nhân, như họ bị cáo buộc. Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm các mục đích hoà bình.
Ông Netanyahu đã nhiều lần cảnh cáo rằng chẳng còn nhiều thời gian nữa. Nhưng Hoa Kỳ đã yêu cầu Israel nên kiên nhẫn để cho phép các biện pháp cấm vận của các nước phương Tây buộc Iran phải thay đổi hướng đi của họ. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng quan điểm bất đồng này về phần lớn đã được xoa dịu trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên Giáo sư Rehat nói việc Tổng Thống Obama tái đắc cử để giữ thêm một nhiệm kỳ nữa có thể trở thành vấn đề giữa lúc chiến dịch vận động dẫn tới cuộc tổng tuyển cử tại Israel tổ chức vào tháng Giêng sang năm đang lấy đà:
"Thực tế là thắng lợi của Tổng Thống Obama có thể sẽ bị các đối thủ của Likud và ông Netanyahu sử dụng để chỉ trích đảng này và Thủ Tướng Netanyahu. Họ sẽ lập luận rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ rất quan trọng đối với Israel. Và ông Netanyahu không phải là người thích hợp để làm công việc lãnh đạo nữa, bởi ông Netanyahu rõ rệt ủng hộ ông Romney và ông Romney thì đã thất bại. "
Giáo sư Rehat nói các chính khách có lập trường trung hòa và cánh tả tại Israel là những người hài lòng nhất về sự tái đắc cử của Tổng Thống Obama, tuy nhiên họ vẫn phải đối mặt với một cuộc đấu tranh đầy cam go trong cố gắng đánh bại liên minh cánh hữu của ông Netanyahu.