Liên hiệp châu Phi và Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Phi châu, tức ECOWAS đã thừa nhận cựu thủ tướng Alassane Ouattara là tổng thống tân cử của Côte d’Ivoire.
Vì thế trọng điểm sứ mạng chung của nhóm này ở Abidjan là người đang cản đường đi của ông Ouattara, Tổng thống đương nhiệm Laurent Gbagbo.
Ông Gbagbo cho biết ông giữ ý định ở lại nắm quyền và cáo buộc các chính phủ nước ngoài là âm mưu đảo chính chống lại ông. Triển vọng mờ mịt về việc giải quyết vụ tranh cãi rõ ràng qua s kiện hai bên không chịu đồng ý thậm chí cả về nội dung các cuộc đàm phán.
Các nhà lãnh đạo Tây Phi cho hay họ đến Abidjan để thúc đẩy lời yêu cầu ông Gbagbo rời chức. Một người phát ngôn của Tổng thống Sierra Leone Errnest Bai Koroma, nằm trong số các vị nguyên thủ quốc gia đại diện cho liên minh Tây Phi, nói rằng lối ra của ông Gbagbo là điều không thể thương nghị được.
Ông Gnamien nói: “Họ không đến đây để thương nghị việc Tổng thống Gbagbo ra đi. Họ đến Côte d’Ivoire chỉ để tham gia vào một tiến trình thượng nghị ngõ hầu chúng tôi có thể tìm ra một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng.”
Tổng thống Nigeria, ông Goodluck Jonathan nói rằng các nhà lãnh đạo Tây Phi sẽ quyết định sẽ làm gì tiếp theo, sau các cuộc đàm phán hôm nay với sự tham dự của cả nhà điều giải cuộc khủng hoảng của Liên Hiệp châu Phi là Thủ tướng Raila Odinga của Kenya.
Liên minh Tây Phi cho hay họ đang cứu xét việc sử dụng lực lượng quân sự để bãi chức ông Gbagbo, nhưng ông này vẫn được sự hậu thuẫn của quân đội Côte d’Ivoire, vì thế một cuộc giao tranh để giành quyền kiểm soát Abidjan sẽ gây nhiều tổn thất. Ông Gbagbo nói ông Ouattara không nên trông đợi quân đội nước ngoài giúp ông và kêu gọi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đang canh gác khách sạn của ông Ouattara hãy ra đi.
Ông Ouattara nói các phần tử tranh đấu theo ông Gbagbo đang sát hại các ủng hộ viên của ông và ông muốn Tòa án Tội phạm Quốc tế điều tra việc này. Liên hiệp quốc ước tính có hơn 170 người đã thiệt mạng trong những vụ bạo động sau bầu cử.
Cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 20.000 người Côte d’Ivoire đi tỵ nạn qua Liberia.
Ông Malek Triki làm việc cho Chương trình Thực phẩm Thế giới ở Tây Phi.
Ông Triki nói thêm: “Nhiều người đã đến nơi mà không có thực phẩm hay của cải gì kết, và những người có của cải như những con dê chẳng hạn, thì họ sẽ bán dưới giá thị trường để lấy tiền mua thức ăn và nước uống. Và một số người thậm chí trong mấy ngày đầu tiên, phải quay trở lại Côte d’Ivoire để tìm thức ăn và nước uống.”
Các giới chức cứu trợ dự kiến có tới 450.000 người có thể bị thất tán ngay trong nước và 150.000 người cuối cùng có thể phải sang tỵ nạn ở Liberia, Guinea, Mali, Burkina Farso và Ghana.
Các nhà lãnh đạo Phi châu đang có mặt tại Abidjan để mở thêm các cuộc đàm phán với hai vị tổng thống đối đầu nhau của Côte d’Ivoire. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Scott Stearns, cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này đã khiến hàng ngàn người tỵ nạn đổ qua Liberia.