Ngôn từ và hành động của một người có khả năng truyền cảm thông và chuyển hóa hố ngăn cách hoặc thù nghịch với người khác. Ngược lại, nó cũng có khả năng truyền hận thù và tạo phân hóa giữa con người với nhau.
Vô số bằng chứng từ các nghiên cứu về tâm lý xã hội, trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế, cho thấy cách hành xử của một người có thể tác động lên người khác, làm cho người ta trở nên vô luân hơn, hận thù hơn và bạo lực hơn; và những người ở địa vị thẩm quyền có ảnh hưởng đặc biệt trong việc tác động lên tiến trình cực đoan hóa, lên quan điểm và hành động lên những người tôn thờ họ [1].
Ngôn từ và hành động của một lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo quốc gia, và nhất là lãnh đạo một cường quốc, tác động mạnh mẽ lên người dân, một cách tiêu cực hoặc tích cực.
Qua vụ giết người hàng loạt tại Tân Tây Lan, nhiều cơ quan truyền thông đã đề cập đến sự kiện nghi can người Úc Brenton Tarrant từng xem Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump như là thần tượng của mình. Mặc dầu chính ông Trump và Nhà Trắng phủ nhận mọi liên hệ với Tarrant qua sự kiện này, điều không thể phủ nhận là ảnh hưởng của ông Trump đối với xu hướng thượng đẳng da trắng (white supremacy) [2]. Qua các phát biểu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào những năm 2015, 2016 cũng như các Sắc lệnh Tổng thống sau khi nhậm chức, ngôn từ (kể cả khi nói hay khi im lặng không nói) và hành động (hoặc không hành động), ông Trump biện luận rằng muốn cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Hoa Kỳ không thể tiếp tục là bãi đổ rác cho vấn đề của mọi người khác, và một số chủ trương căn bản của ông mang tính cách bài di dân và bài Hồi giáo [3]. Phần lớn các quan điểm này cũng không thay đổi sau hai năm cầm quyền, kể cả bức tường biên giới mà ông Trump vẫn chưa thực hiện được.
Không có gì ngạc nhiên khi các xu hướng thượng đẳng da trắng khắp nơi, ngay cả tại những nơi hiền hòa như Úc và Tân Tây Lan, coi cuộc thắng cử của ông Trump vào Nhà Trắng năm 2016 là biến cố quan trọng để ăn mừng [4].
Sau vụ khủng bố tại Christchurch vừa qua, và sau các biến sự tại Mỹ trong hai năm qua, ông Trump cũng không lên án và không nêu đích danh xu hướng thượng đẳng da trắng đang trổi lên tại Mỹ và khắp nơi [5].
Trong khi đó, cung cách của nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinta Ardern qua sự kiện trên khác hẳn với ngôn từ và hành xử của ông Trump.
Chỉ chưa đầy một tuần, bà Ardern đã thay đổi cái nhìn của thế giới về Tân Tây Lan. Ngôn từ và hành động của nữ Thủ tướng Ardern không hề chia rẽ hay yếu đuối mà, ngược lại, đầy cảm thông, nhân bản và sức sống. Bà Ardern trở thành biểu tượng của lòng trắc ẩn, bao dung và quyết đoán. Không phải là một biểu tượng không có thực chất, để rồi sụp đổ hay tan thành mây khói sau đó. Không biểu tượng nào có thể đứng vững nếu không có giá trị thật làm nền tảng.
Đúng một tuần sau vụ tàn sát này, hàng ngàn người Tân Tây Lan đã đến công viên Hagley trước đền Hồi giáo Al Noor tại Christchurch nơi xảy ra vụ tàn sát để làm lễ tưởng niệm và để bày tỏ sự đoàn kết [6]. Hàng ngàn người khác cũng tụ về thành phố Auckland, và nhiều phụ nữ cũng đã mang khăn trùm đầu (hijab) để bày tỏ sự ủng hộ của mình, trong đó có bà Ardern. Cảm động với hình ảnh này, Thủ tướng và Phó Tổng thống của United Arab Emirates/UAE, ông Sheik Mohammed, hôm thứ Bảy vừa qua đã gửi lời tri ân: “Cảm ơn Thủ tướng Jacinta Ardern và Tân Tây Lan đối với sự đồng cảm và ủng hộ chân thành của quý vị mà đã chiếm được sự kính trọng của 1.5 tỷ người theo đạo Hồi sau vụ tấn công khủng bố làm chấn động cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.” [7]. Hình ảnh bà Ardern mặt hijab ôm chặt người đạo Hồi sau vụ khủng bố đã được tỏa chiếu lên tòa nhà cao nhất trên thế giới có tên Burj Khalifa tại Dubai, cao 829 mét, với chữ “salam”, có nghĩa là “hòa bình”. Còn ông Mohammad Faisal, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pakistan, cho rằng bà Ardern đã “chiếm được trái tim của người Pakistan vì lòng trắc ẩn và tài năng lãnh đạo của bà” [8].
The New York Times đã ca tụng tài lãnh đạo của bà Ardern trong bài “Hoa Kỳ xứng đáng có một lãnh đạo tài giỏi như bà Jacinta Ardern” [9]. Ngoài việc nêu cao cung cách đáng kính của bà Ardern, bài xã luận này nhấn mạnh rằng chỉ qua một vụ tàn sát thôi, và chỉ mất vài ngày (sáu ngày), bà Ardern đã thành công trong biện pháp kiểm soát súng. Vào thứ Năm 21 tháng Ba, bà Ardern tuyên bố rằng tất cả các loại súng tự động và bán tự động kiểu quân sự, và tất cả các bộ phận nào có thể dùng để ráp thành súng kiểu này, đều bị cấm. Trong khi tại Hoa Kỳ hết vụ tàn sát này đến tàn sát khác, cũng như 73 phần trăm người Mỹ nói rằng cần phải có biện pháp để ngăn ngừa bạo lực bằng súng, nhưng chẳng thay đổi gì cả.
Khi được hỏi bà nghĩ gì về các lời ngợi ca về tài lãnh đạo của mình, bà Ardern trả lời “Tôi không nghĩ là tôi thể hiện tài năng lãnh đạo gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi thể hiện tinh thần nhân bản thôi” [10]. Về nghi can, bà Ardern khẳng định “Hắn ta là một kẻ khủng bố. Hắn là một tội phạm. Hắn là một kẻ cực đoan”. Nhưng bà từ chối nêu tên nghi can. Bà Ardern nhấn mạnh: “Trong chính trị chúng ta có thể chọn cách thể hiện hành vi của mình. Đó là một phần lý do mà tôi đã chủ tâm chọn cách không nêu tên kẻ khủng bố, và gọi nó là xu hướng khủng bố. Nhưng sau cùng nó tùy theo mỗi cá nhân, cơ quan truyền thông và chính trị gia nhận trách nhiệm về địa vị và ngôn ngữ của mình”. Bà Ardern thành thật cho rằng “Tất cả những gì tôi thể hiện là các giá trị của người Tân Tây Lan…”. Tự nhận mình không theo một tôn giáo nào mà chỉ tin vào thượng đế (Agnostic), khi được hỏi làm thế nào để trãi qua kinh nghiệm tang thương như thế này, bà Ardern trả lời: “Tôi nghĩ rằng nếu bạn/mọi người có niềm tin tuyệt đối về tinh thần nhân bản, và tôi vẫn còn có điều đó”.
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt của Waleed Aly, một điều hợp viên của chương trình The Project trên đài truyền hình số 10, sẽ được trình chiếu vào tối thứ Hai 25 tháng Ba này, trước khi bắt đầu bà Ardern hỏi ông Aly có vấn đề gì không nếu bà ôm ông một cái [11]. Biết ông Aly theo đạo Hồi, bà Ardern cảm nhận sâu sắc nỗi niềm của các tín đồ qua biến cố 15 tháng Ba. Khi được hỏi bà có suy nghĩ nhiều để đi đến quyết định mang khăn trùm đầu sau vụ khủng bố, bà Ardern cho biết bà không mất nhiều suy nghĩ, bởi vì đối với bà đó là điều thích hợp để làm: “Nếu việc tôi mặt hijab này làm cho người ta (phụ nữ theo đạo Hồi) cảm giác an toàn để tiếp tục thực hành niềm tin của họ thì tôi rất vui mừng đã mặt nó”.
Bà Ardern là người thật, và những gì bà làm đều là chân thật. Không cần bài bản soạn sẵn. Không cần suy nghĩ tính toán. Tư tưởng của bà Ardern thoát ra một cách tự nhiên. Mọi ngôn từ và cử chỉ của bà trong một tuần qua, qua mọi ống kính, đều cho thấy rất thực. Trong thời đại này, nếu không thật thì không dễ gì qua mặt người khác. Lãnh đạo quốc gia của các nước theo đạo Hồi cũng cảm nhận được bản chất thật của bà Ardern nên tri ân bà. Rất nhiều những người không theo đạo Hồi cũng thấy cảm phục về con người thật Jacinta Ardern: đồng cảm, dũng cảm và quyết đoán.
Tất nhiên có người thương mến thì cũng có người căm ghét. Nhất là trong chính trị, bà Ardern hiểu chuyện đó. Bà Ardern cũng bị hăm dọa sau khi mặt hijab. Nhưng bà hiểu đó là thành phần thiểu số, tuy cần biết nhưng không cần quá bận tâm.
Sau sự kiện 11 tháng 9 đến nay, và sau bao nhiêu vụ tấn công của các nhóm khủng bố Hồi giáo, từ phái Sunni đến Shia, tại Trung Đông cũng như các nền dân chủ Tây phương, khủng bố của thế kỷ 21 đã làm cho mọi người trên thế gian này cảm thấy bất an: hầu như không còn một nơi nào hoàn toàn an toàn cả. Hồi giáo, và người theo đạo Hồi, trở thành một ám ảnh, âu lo, làm cho khuynh hướng dân tuý, bảo thủ, bài di dân, bài Hồi giáo, trổi lên khắp Âu châu và lan rộng đến Bắc Mỹ, Úc và Tân Tây Lan. Cảm giác bất an và nỗi lo sợ chủ quan của người dân đã làm cho các lãnh đạo chính trị Tây phương, ngay cả những người cấp tiến và không hề phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, cũng không muốn đứng gần những gì đại diện cho Hồi giáo. Bởi, nếu không khéo, các chính trị gia có thể mất phiếu hoặc, tệ hơn, trở thành mục tiêu tấn công của các thành phần cực đoan theo xu hướng bài Hồi. Phần lớn chọn thế trung dung để dung hòa các bên cực đoan, bảo thủ. Cũng vì thế nên cung cách lãnh đạo chân thật của bà Jacinta Ardern đã thật sự truyền cảm hứng và chuyển hóa đối với người khác. Bà Ardern đã chiếm được khối óc và trái tim của bao người trên thế giới, không chỉ những người theo đạo Hồi giáo.
Cung cách lãnh đạo hiệu quả của bà Ardern chứng minh rằng lãnh đạo quốc gia cần phải can đảm lấy những quyết định khó khăn trong các tình huống phức tạp để giảm bới chia rẽ và gia tăng đoàn kết trong người dân. Không lãnh đạo nào có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng lãnh đạo tài năng có thể chuyển hóa người dân và hoàn cảnh. Cung cách hành xử đầy cảm thông và chân thật của bà Ardern dành cho người Hồi cũng là điều mà những người từng là di dân, hoặc con cái của các thế hệ này, như nguời Việt tị nạn chẳng hạn, cần trân trọng ghi nhận và ủng hộ. Bởi những người như Jacinta Ardern của Tân Tây Lan, Malcolm Fraser của Úc, hay John McCain của Hoa Kỳ, vân vân…, hành động vì cái tâm của họ, vì đó là lẽ phải cần làm, bất cần phiếu hay những tính toán chính trị vì quyền lợi và quyền lực khác. Họ sẽ đứng về phía thiểu số, bênh vực phía yếu đuối, nếu chính đáng, và sẵn sàng bảo vệ những người đó cho dù dư luận hay thành trì quyền lực có quan điểm ngược lại họ đi nữa.
Những lãnh đạo như thế sẽ tồn tại theo thời gian, và được bao người thật sự thương mến, tri ân, thay vì những thành phần có toan tính nhất thời và những trò chính trị mị dân.
(Úc Châu, 24/03/2019)
Tài liệu tham khảo:
1. Sophia Moskalenko, “How Could President Trump Have Inspired the NZ Shooter?”, Psychology Today, 19 March 2019.
2. Albert Redmore, “Trump angered at link to Christchurch attack, blames fake news”, MSN, 19 March 2019.
3. Yochai Benkler, Robert Faris, and Hal Roberts, “Network PropagandaManipulation, Disinformation, and Radicalization in American Politics”, Oxford Scholarship Online; October 2018.
4. Alex Mann, Kevin Nguyen and Katherine Gregory, “Christchurch shooting accused Brenton Tarrant supports Australian far-right figure Blair Cottrell”, ABC News, 23 March 2019.
5. John Nichols, “Why Is It So Hard for Our President to Condemn White Supremacy and Islamophobia?”, The Nation, 15 March 2019.
6. Anna Fifield, “A week after the shootings, New Zealand joins Muslim community for Friday prayers”, The Washington Post, 22 March 2019.
7. Joel MacManus, “World's tallest building lit up with image of Jacinda Ardern”, The Age, 23 March 2019.
8. Maya Salam, “Jacinda Ardern Is Leading by Following No One”, The New York Times, 22 March 2019.
9. The Editorial Board, “America Deserves a Leader as Good as Jacinda Ardern”, The New York Times, 21 March 2019.
10. Philip Matthews, “'We are all forever changed': Prime Minister Jacinda Ardern reflects on the week”, Stuff, 22 March 2019.
11. News, “‘Do you mind if I give you a hug?’ Waleed Aly interviews Jacinda Ardern”, News.com.au; 23 March 2019. Laura Chung, “'Do you mind if I give you a hug?': Jacinda Ardern meets Waleed Aly”, The Sydney Morning Herald, 23 March 2019.