Những phát biểu trước đây của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã làm cho một số người nêu lên nghi vấn là nhà lãnh đạo mới ở Tokyo có thật tâm muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng hay không.
Hồi tháng trước, trong lúc còn giữ chức bộ trưởng tài chánh, ông Noda đã tái khẳng định rằng ông không xem 28 nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản bị tòa án của phe Đồng Minh kết án sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc là những phần tử tội phạm.
CHÂN DUNG ÔNG
|
Nhưng hồi đầu tuần này, sau khi được chọn làm thủ tướng, ông Noda cho biết chính phủ mà ông sắp thành lập sẽ tuân thủ lập trường của các chính phủ tiền nhiệm là chấp nhận những bản án đó.
Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản cho biết ông không hề có ý định cổ xúy cho một quan điểm cá biệt về những vấn đề lịch sử, tuy trước đây ông đã trả lời những câu hỏi liên quan tới vấn đề của những người bị tòa án của phe Đồng Minh kết tội. Ông Noda nói thêm rằng ông muốn trình bày một cách rõ ràng là ông hy vọng các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Á châu, kể cả Trung Quốc và Hàn Quốc, có thể được cải thiện để mọi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, các nước láng giềng của Nhật sẽ chú ý theo dõi vấn đề là ông Noda hoặc các thành viên trong nội các của ông có đến viếng Đền Yasukuni (Tĩnh Quốc Thần Xã) ở Tokyo hay không. Ngôi đền Thần Đạo này là nơi thờ phượng những người đã chiến đấu cho Đế Quốc Nhật, kể cả những người từng bị tòa án Đồng Minh liệt vào danh sách các tội phạm chiến tranh.
Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, là những nơi mà người dân đã phải gánh chịu rất nhiều đau khổ vì nạn thực dân và xâm lăng của Nhật hồi đầu thế kỷ 20.
Những chuyến viếng thăm Đền Yasukuni của những thành viên nội các của các chính phủ trước đây ở Nhật, do Đảng Tự do Dân chủ của phe bảo thủ lãnh đạo, đã gây phẫn nộ cho nhiều người Trung Quốc và Triều Tiên.
Ông Son Ki Sup giảng dạy môn Chính trị Quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Pusan ở Nam Triều Tiên. Ông cảnh báo rằng các mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul sẽ bị tổn thương nếu Thủ tướng Yoshihiko Noda đi thăm Đền Yasukuni trong lúc tại chức.
Mặc dù vậy, giáo sư Son Ki Sup cho biết dựa trên sự xem xét của ông về những phát biểu của ông Noda về vấn đề chính sách, ông tin rằng nhà lãnh đạo mới của Nhật muốn theo đuổi những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Ông cũng nêu lên sự kiện là ông Noda có nhiều kinh nghiệm về vấn đề tài chánh, chứ không phải về chính sách ngoại giao.
Hôm thứ Tư, tờ Korea Herald ở Nam Triều Tiên cho đăng một bài bình luận nhân dịp ông Noda được chọn làm thủ tướng Nhật. Bài viết ghi nhận rằng các mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo phần lớn là không gặp phải vấn đề gì kể từ khi Đảng Dân chủ Nhật Bản lên nắm quyền cách nay hai năm. Mặc dù vậy, bài bình luận cũng nhắc tới vấn đề là tinh thần hợp tác giữa hai nước đã nhiều lần “bị tan vỡ do những phát biểu thiếu tế nhị của các chính khách Nhật, trong lúc sự tin tưởng lẫn nhau không đủ vững mạnh vì nhân sự lãnh đạo Nhật thay đổi quá nhanh”.
Tại Bắc Kinh, tờ Trung Quốc Nhật báo mới đây đã đăng tải một bài bình luận đề cập tới những phát biểu của ông Noda mà họ cho là có tính chất “diều hâu” về vấn đề lịch sử. Tờ báo được xem là trình bày những chính sách của chính phủ Trung Quốc này nói rằng nhiều nước ở Á châu có lý do để lo ngại về chính sách ngoại giao của Nhật dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Noda.
Ông Quách Định Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, tỏ ý hy vọng là nhà lãnh đạo mới của Nhật sẽ lèo lái đất nước theo một chiều hướng tích cực.
Giáo sư Quách Định Bình cho biết ông không nghĩ rằng những ý kiến hay thái độ trước đây của ông Noda sẽ định đoạt các chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong tương lai. Ông Quách tin rằng ông Noda sẽ lấy quyền lợi kinh tế và chính trị của nước Nhật làm cơ sở để điều chỉnh các chính sách của mình một cách thỏa đáng.
Tại Nam Triều Tiên, giáo sư Son Ki Sup của Đại học Ngoại ngữ Pusan cho rằng Tokyo và Seoul cần nâng cấp mối quan hệ chiến lược bằng cách tăng cường hợp tác để duy trì an ninh khu vực và đạt được một hiệp định mậu dịch tự do.
Giáo sư Son Ki Sup nói rằng để đạt được mục tiêu, chính phủ Nam Triều Tiên cần phải thúc giục chính phủ Nhật có thái độ khách quan về những vấn đề lịch sử, kể cả vấn đề liên quan tới Đền Yasukuni và những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng trong thời gian tới đây ông Noda sẽ không chú trọng cho mấy tới vấn đề chính sách Á Châu. Lý do là vì ông sẽ phải tận lực để tìm cách vực dậy nền kinh tế đất nước vốn đã bị trì trệ trong nhiều năm và để lãnh đạo các chương trình phục hồi sau thiên tai kép động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3 cùng với vụ khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo mới của Nhật có phần chắc cũng sẽ phải ra sức đối phó với tình trạng chia rẽ chính trị trong Đảng Dân chủ Nhật Bản đương quyền. Chưa chi một số nhà quan sát đã dự báo là thời gian nắm quyền của Thủ tướng Noda sẽ không lâu hơn 5 vị thủ tướng tiền nhiệm, không ai trong số đó nắm quyền lâu hơn 15 tháng.