Các đại sứ quán nước ngoài khuyên công dân rời Nhật Bản

  • Martyn Williams

Hành khách chờ chuyến bay tại sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản, 17/03/2011

Một số chính phủ nước ngoài đã bắt đầu khuyên công dân nước họ nên rời Nhật Bản, giữa lúc viễn ảnh của một nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản ngày càng mù mờ. Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ và nước Anh đã góp tiếng với nhiều quốc gia khác, đề nghị các công dân của họ hãy xét tới chuyện rời thủ đô Nhật Bản, hay ra khỏi nước này.

Cho tới thứ Năm, Hoa Kỳ vẫn kêu gọi các công dân Mỹ hãy theo lời khuyên của người Nhật, và sơ tán ra khỏi một khu vực trong phạm vi bán kính 20 km quanh nhà máy, hãy ở trong nhà và đóng tất cả cửa lại, nếu cư ngụ trong phạm vi bán kính từ 20 đến 30 km cách nhà máy.

Chiều thứ Tư, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản John Roos nói Ủy Ban Quản lý Hạt Nhân của Hoa Kỳ, gọi tắt là NRC, nhất trí với Nhật Bản về lời khuyên này.

Đại sứ Roos nói: “Các chuyên gia của chúng tôi tiếp tục nhất trí với nhau, và đặc biệt thông báo mà NRC đưa ra cũng đề nghị công dân Mỹ nên theo lời khuyên của chính quyền Nhật Bản liên quan tới vấn đề này.”

12 giờ đồng hồ sau, điều đó đã thay đổi.

Hoa Kỳ khuyến cáo các công dân Mỹ trong phạm vi bán kính 80 km hãy di tản đi nơi khác, hay ở trong nhà và đóng kín cửa. Khuyến cáo này cũng được các chính quyền khác loan báo, kể cả Anh, Canada, Australia và Nam Triều Tiên.

Được hỏi về thay đổi trong lời khuyên đối với các công dân Mỹ tại một buổi họp báo, Chánh Văn Phòng Nội Các Nhật Yukio Edano nói rằng việc Hoa Kỳ muốn đưa ra một quyết định bảo thủ hơn để đảm bảo an toàn cho công dân nước mình, là điều “có thể hiểu được”.

Các công dân nước ngoài cũng được khuyên nên xét tới giải pháp rời thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Đại sứ quán Anh nói lý do không phải là vì lo sợ bị nhiễm bức xạ, mà vì các khâu cung cấp hàng hóa, giao thông, truyền thông và điện lực có thể bị gián đoạn.

Nhưng bất kể vì lý do gì, thông điệp tiềm ẩn bên trong đều giống nhau: các chính quyền nước ngoài đã bắt đầu nghi ngờ khả năng của chính quyền Nhật Bản có thể giải quyết được tình hình.

Một số chính quyền, kể cả Hoa Kỳ, Anh và Pháp, đã tổ chức các chuyến bay thuê bao để đưa công dân nước mình ra khỏi Nhật Bản vào chiều tối thứ Năm.

Đối với các cư dân nước ngoài ở Tokyo, kết quả của những lời khuyên trái ngược là họ lâm vào tình trạng rối rắm. Ông Yanngael Seznec là một công dân Pháp, ông nói ông đã được nghe nhiều thông điệp khác nhau từ Nhật Bản và từ Pháp.

Ông Seznec nói: “Tôi nghĩ rằng người Pháp thì quá sợ hãi, trong khi người Nhật thì lại quá điềm tĩnh.”

Ông cho biết ông dự định sẽ nghe theo lời khuyên của chính phủ Pháp, và sẽ rời Nhật Bản.

Ông Seznec nói tiếp: “Tôi tin rằng tình hình vẫn chưa ngã ngũ ở nhà máy Fukushima. Họ không kiểm soát được bất cứ điều gì, và tình hình không được an toàn.”

Chính phủ Nhật cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ở trong nước về cách xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Bà Mizuho Fukushima, lãnh tụ của Đảng Dân Chủ Xã Hội Nhật Bản, đang quyên tiền để giúp các nạn nhân thiên tai tại trung tâm thủ đô Tokyo.

Bà Fukushima nói chính phủ Nhật Bản lẽ ra phải đưa ra những chỉ thị rõ rệt hơn ngay từ đầu. Lẽ ra, họ phải ra lệnh cho phụ nữ và trẻ em phải rời khỏi khu vực, và khởi sự bằng một khu vực cấm lui tới rộng lớn hơn, rồi thu hẹp khu vực này, tùy theo mức độ an toàn.

Chiều tối thứ Năm ở thủ đô Nhật Bản lại xảy ra một cuộc khủng hoảng mới. Giữa lúc nhiệt độ giảm thấp, nhu cầu tiêu thụ điện tăng và chính phủ khuyến cáo về khả năng xảy ra một đợt cúp điện quy mô.

Các dịch vụ hỏa xa đã bị cắt giảm, các công ty đóng cửa sớm và cư dân được yêu cầu hãy tắt máy sưởi.

Phát ngôn viên của chính phủ Nhật, ông Edano nói thời tiết có thể lạnh ở Tokyo, nhưng có những trung tâm dành cho người sơ tán hiện không được sưởi ấm đủ, không có nước và thiếu chăn mền.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản