Chuyên gia đề nghị có thêm biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên

  • Miguel Quintana

Một nhân viên của nhật báo Yomiuri của Nhật Bản cầm tờ báo đăng tin hàng đầu về vụ phóng tên lửa thất bại của Bắc Triều Tiên

Một giáo sư chuyên nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên nói dù thất bại của vụ phóng vệ tinh hôm thứ Sáu có thể làm lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất mặt, nhưng về lâu về dài, nếu Liên Hiệp Quốc không áp dụng thêm các bước trừng phạt thì chế độ Bắc Triều Tiên có thể sẽ mạnh lên.

Giáo sư Toshimitsu Shigemura, giáo sư trường đại học Waseda của Nhật, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên và từng là thông tín viên báo chí tại Seoul, cho rằng việc Bắc Triều Tiên không đưa nổi vệ tinh vào quĩ đạo đã làm hại vị thế của chủ tịch Kim Jong Un:

“Thất bại này vô cùng nghiêm trọng đối với tân lãnh tụ trẻ của Bắc Triều Tiên. Trước tiên, về cơ bản, nó đã làm lung lay tính chính đáng rằng ông ta có khả năng cai trị đất nước.”

Theo giáo sư Shigemura, thất bại trên khiến Kim Jong Un không khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình và làm ông ta bị mất mặt, một vấn đề quan trọng đối với các xã hội Đông Á. Nhưng ông Shigemura cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy Bắc Triều Tiên nhìn nhận thất bại của họ:

“Chính phủ Bắc Triều Tiên đã đáp ứng nhanh chóng với tình huống. Nói cách khác, họ thừa nhận thất bại rất sớm sau khi sự việc xảy ra. Một phần lý do họ làm như vậy là do họ sợ tin đồn lan tràn nhanh chóng.”

Ông Shigemura kể ra sự hiện diện tại Bắc Triều Tiên của hàng chục ngàn du khách Trung Quốc mang theo điện thoại di động, những người này sẽ có thể loan truyền mọi thứ tin tức ra ngoài nước.

Về những diễn tiến trong tương lai, ông cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ nóng lòng biểu lộ khả năng chống lại áp lực của nước ngoài bằng nhiều cách ngoạn mục. Ông nói:

“Tôi nghĩ khả năng Bắc Triều Tiên sẽ làm thêm một cuộc thử nghiệm nguyên tử là rất cao. Điều chúng ta sẽ thấy trong một tương lai gần là Liên Hiệp Quốc sẽ không đưa ra những chế tài mới, mà chỉ siết chặt các biện pháp trừng phạt mà họ đã đưa ra. Và có thể là sẽ có thêm những loại chế tài nhắm vào cá nhân do Hoa Kỳ hoặc Nam Triều Tiên đưa ra.”

Ông Shigemura cho rằng nếu Liên Hiệp Quốc không áp dụng thêm các biện pháp chế tài, thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ có thể tuyên bố chiến thắng kẻ thù nước ngoài, họ sẽ nghĩ là họ có thể tha hồ thực hiện các vụ phóng tên lửa và các vụ thử hạt nhân khác.

Nhưng giáo sư Shigemura còn nói, quan tâm tối hậu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên là thuyết phục dân họ rằng mở cửa đất nước và thực hiện cải tổ sẽ hủy diệt Bắc Triều Tiên.

Ông kết luận, duy trì điều bịa đặt đó là cách duy nhất giúp chế độ này bám lấy quyền lực.

Trình tự hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên
    • Bắc Triều Tiên bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân vào thập niên 1960, khi nhận được một lò phản ứng cỡ nhỏ của Liên bang Xô Viết cũ, và bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân vào thập niên 1980.
    • Sau đây là trình tự theo thời gian về các diễn biến đáng kể nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
    • 1985: Tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT) sau khi phát hiện một lò phản ứng tái chế biến hạt nhân ở Yongbyon.
    • 1994: Ký Khung Thỏa thuận với Hoa Kỳ, theo đó đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và nhận các nhà máy năng lượng hạt nhân nước nhẹ.
    • 2002: Tái khởi động các sinh hoạt tại Yongbyon và trục xuất các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA sau khi bị đối đầu về một chương trình bí mật tinh chế uranium.
    • 2003: Cùng với 5 nước khác ở Bắc Kinh tham dự 3 vòng đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
    • 2005: Ký một thông cáo chung tái khẳng định Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa và đồng ý từ bỏ mọi chương trình hạt nhân hiện hữu.
    • 2006: Loan báo thử nghiệm thành công một thiết bị nổ hạt nhân. 2007: Đóng cửa cơ sở hạt nhân ở Yonbyon và cho phép thanh sát viên IAEA trở lại.
    • 2009: Phóng phi đạn tầm xa qua không phận Biển Nhật Bản, bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.
    • 2009: Rút ra khỏi các cuộc Đàm phán 6 bên và vài tuần sau laon báo thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì.
    • 2012: Đồng ý với lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân và đình chỉ hoạt động tinh chế uranium ở Yongbyon, và ngưng phóng các phi đạn tầm xa.
    • 2012: Loan báo kế hoạch phóng một vệ tinh thời tiết trong một hành động bị giới chỉ trích coi là một cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo trá hình.