Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan trông có vẻ buồn bã trong một bài nói chuyện được truyền hình trên toàn quốc, mô tả tình trạng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị hư hại vẫn còn rất nghiêm trọng.
Thủ tướng Kan nói cần phải kiên trì vì hiện chưa đến mức lạc quan. Tuy nhiên ông nói thêm mọi sự dường như không xấu hơn.
Hơi tiếp tục bốc lên vào hôm thứ Sáu từ một vài tòa nhà của lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân miền đông bắc Nhật Bản. Công nhân vẫn tiếp tục làm việc để hệ thống làm nguội tự động hoạt động trở lại để giúp ngăn chận chất phóng xạ khỏi lan rộng.
Từ khi có trận động đất vào ngày 11 tháng 3 vừa qua gây nên sóng thần, mức phóng xạ cao, những đám cháy và nổ tại một số trong 6 lò phản ứng đã làm chậm lại những nỗ lực sửa chữa cần thiết để giúp ổn định tình hình.
Mức phóng xạ cao được phát hiện hôm thứ Năm trong nước tại tòa nhà có tua bin của lò phản ứng thứ 3 có thể phát xuất từ lõi của lò phản ứng. Tuy nhiên, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản nói không có dữ liệu cho thấy nơi chứa lò phản ứng bị nứt hay bị hư hại.
Lo ngại về lò phản ứng tăng lên sau khi công nhân đặt dây cáp trong tòa nhà chứa tua bin tiếp xúc với nước có chất phóng xạ 10.000 lần cao hơn mức bình thường trong nước làm nguội. Hai trong số công nhân này hôm thứ Sáu được chuyển đến Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia để được chữa trị vì bỏng phóng xạ tại bàn chân.
Hơi phóng xạ tiếp tục phát ra khiến cho nhà chức trách phải cảnh báo khi uống nước máy tại khu vực cách nhà máy 300 kilômét về phía nam. Quốc tế cũng quan tâm về rau, sữa và hải sản của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật khuyến cáo người dân sinh sống trong khoảng từ 20 đến 30 kilômét cách nhà máy phải di tản, do mức cung cấp lương thực cạn dần. Trước đây, chỉ có những người cư ngụ trong vòng 20 kilômét mới phải di tản.
Sóng thần ở Nhật Bản là thiên tai gây tổn thất nhất từ trước tới nay