Nhật Bản với Thủ tướng mới: Vài nhận xét của một người Việt tại Tokyo

Ông Ðỗ Thông Minh

Nhân dịp Nhật Bản vừa có Thủ tướng mới, ban Việt ngữ đã tiếp xúc với ông Đỗ Thông Minh, một học giả sống lâu năm ở Tokyo để đặt một số câu hỏi.

VOA: Thông thường thì tân Thủ tướng trình diện nội các lên Thiên Hoàng ngay, lần này ông Kan đã được bầu từ ngày thứ Sáu, mùng 4 nhưng tới giờ này vẫn chưa trình diện. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Đỗ Thông Minh: Sở dĩ có chuyện đó vì Thiên Hoàng đang đi nghỉ. Trình nội các bên Nhật không có tuyên thệ, chỉ vào hoàng cung và Thiên Hoàng sẽ trao ủy nhiệm thư. Vì Thiên Hoàng đang đi nghỉ nên trình diện bây giờ không được, phải chờ đến mùng 8, thứ Ba mới tiến hành.

VOA: Xin ông cho biết qua một chút tiểu sử của tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Ông Đỗ Thông Minh: Ông Kan sinh năm 1946, đã 3 lần tranh cử, lúc đầu thất bại nhưng sau đó ông đắc cử Dân biểu và liên tiếp giữ 10 kỳ cho tới ngày hôm nay. Ông đã qua nhiều chức vụ trong đảng Dân chủ và đã từng làm một số bộ. Chức vụ mới nhất của ông trước khi nội các Hatoyama tổng từ chức là Phó Thủ tướng đặc trách về kinh tế.

VOA: Tân Thủ tướng Nhật đã công bố những nét đại cương nào trong chương trình hành động của ông trong những ngày tới hay chưa, thưa ông?

Ông Đỗ Thông Minh: Ngày mùng 4, khi chính thức bắt đầu nhậm chức Thủ tướng thì ngay tối hôm đó ông đã có buổi họp báo. Ông cho hay: điều quan trọng nhất của ông trước tiên là hồi phục uy tín của đảng Dân chủ, gầy dựng lại nền kinh tế Nhật Bản, cũng như thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là 3 điểm chính ông đã nêu ra. Còn căn bản, vì ông là thành viên của đảng Dân chủ, nên phần lớn ông sẽ cố gắng thực thi những gì mà đảng Dân chủ đã hứa hẹn, khi tranh cử và thắng cử vào tháng 9 năm ngoái.

VOA: Ông vừa nói tân Thủ tướng sẽ tìm cách thắt chắt quan hệ với Hoa Kỳ, liệu ông Kan có đưa ra chính sách nào khác người tiền nhiệm, đặc biệt là liên quan đến chuyện di dời căn cứ Futenma của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ra khỏi Okinawa hay không?

Ông Đỗ Thông Minh: Có lẽ là không. Qua những phần nói chuyện của ông thì căn cứ Futenma thực ra đã được bàn từ thời đảng Tự do Dân chủ nắm quyền với Hoa Kỳ cách đây 13 năm. Năm 2006 hai bên đã thỏa thuận là sẽ dời lên Henoko. Lúc đó, vị Thị trưởng Nago tại đó coi như đã đồng ý, nhưng sau này vì đảng Dân chủ muốn đưa căn cứ này ra khỏi nước Nhật và ra khỏi Okinawa, cho nên phải bàn lại từ đầu. Mà bây giờ thì vị thị trưởng thay người mới lại chống việc dời căn cứ, cho nên mới rắc rối.

Hạn kỳ mà Thủ tướng Hatoyama đặt ra là cuối tháng 5, cho nên ngày 28 tháng 5 ông đã đưa ra thỏa thuận với Hoa Kỳ là đành phải dời căn cư Futenma lên chỗ theo đúng chương trình của đảng Tự do Dân chủ đưa ra trước đây. Chỉ có thêm một phần nhỏ thôi, là cố gắng đưa thêm khoảng chừng 1.000 binh sĩ Hoa Kỳ lên đảo Tokushima. Nhưng tại hai nơi người dân đều chống đối, cho nên thỏa thuận này đã phải qua một thời gian rất dài khó khăn bàn luận mới đạt được.

Chúng tôi không nghĩ tân Thủ tướng Kan sẽ phá bỏ cái đó mà chỉ cố gắng thực thi làm sao cho êm thắm. Có thể phải đi tới trường hợp cưỡng bức để thiết lập, giống như ngày xưa đã từng cưỡng bức để thiết lập phi trường quốc tế Narita của Tokyo.

VOA: Chính sách mới của tân Thủ tướng Nhật Bản có thay đổi gì với Việt Nam, đặc biệt trong lúc này Nhật Bản muốn bán hệ thống đường sắt cao tốc cho Việt Nam, thưa ông?

Ông Đỗ Thông Minh:
Từ trước tới giờ Nhật Bản vẫn là quốc gia hàng đầu viện trợ cho Việt Nam. Hai bên đã có những vụ trục trặc hối lộ giữa PCI và PMU bên Việt Nam. Sau đó thì Nhật cũng lướt qua, và ngược lại đã gia tăng Việt Nam, đang từ 1 tỉ lên 1 tỉ rưỡi trong năm 2010.

Có dư luận cho rằng tại sao cứ phải viện trợ cho Việt Nam nhiều như vậy, nhưng Nhật Bản có nhu cầu cạnh tranh với Trung Quốc. Đồng thời, đối với các nước tư bản thì họ đầu tư cái đó để nâng cao mãi lực của quốc gia mà họ đầu tư, từ đó mới có thể mua hàng của họ nhiều hơn. Cho nên viện trợ cũng là một cái lợi quan trọng của những quốc gia giàu có, thành thử Nhật vẫn cố gắng viện trợ.

Xe lửa cao tốc Shinkansen của Nhật

Có thể là chuyện Việt Nam hồi tháng tư tuyên bố sẽ đưa hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật về Việt Nam thì cũng là một trong những nỗ lực của Nhật tạo tình thân để có được quyết định như vậy.

Tuy nhiên, việc du nhập hệ thống Shinkansen vào Việt Nam thì có thể tốn kém tới 56 tỉ đôla thì bây giờ vẫn chưa biết lấy tiền ở đâu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng như Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng có nói chuyện với phía Nhật, nhưng cho tới ngày hôm nay chúng tôi chưa ghi nhận phía Nhật trả lời một cách cụ thể nào cả, mặc dù đương nhiên là Nhật rất muốn bán xe điện cao tốc Shinkansen.