Chính phủ Kenya mới đây cho biết họ sẽ đóng cửa hai trại tị nạn lớn vì lý do an ninh. Một số các nhà phân tích cho rằng quyết định này có động cơ chính trị, trong lúc những người khác nói rằng có một mối đe dọa về an ninh nhưng cần phải xem xét tới quyền của người tị nạn. Thông tín viên Jill Craig của đài VOA tường thuật từ Nairobi.
Chính phủ Kenya loan báo sẽ đóng cửa trại hai tị nạn ở Dadaab và Kakuma, nơi tá túc của hơn nửa triệu người tị nạn.
Trại Dadaab được xem là trại tị nạn lớn nhất thế giới -- với hơn 328.000 người tị nạn, hầu hết là người Somalia trốn chạy cuộc xung đột ở nước họ.
Chính phủ ở Nairobi nói rằng lý do khiến họ quyết định đóng cửa hai trại tị nạn này là những mối đe dọa khủng bố ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Ông Gerry Simpson, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Human Rights Watch về người tị nạn, nói rằng người tị nạn không phải là nguồn gốc của những mối đe dọa như vậy tại Kenya.
"Không hề có một chút chứng cớ nào cho thấy người Somalia tị nạn ở Kenya dính líu tới bất kỳ một vụ tấn công nào ở Kenya. Cho tới nay, không hề có người Somalia tị nạn nào bị truy tố hay bị kết án về những tội như vậy. Trong vụ tấn công Thương xá Westgate ở Nairobi và vụ tấn công Đại học Garissa ở đông bắc Kenya hồi năm ngoái, một số công dân Somalia bị truy tố về những tội này, nhưng những người đó là những người tới thẳng từ Somalia chứ không phải là người tị nạn có đăng ký."
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Kenya, ông Mwenda Njoka, không đồng ý với nhận định đó. Ông nói rằng những phần tử khủng bố đã dùng các trại tị nạn để lập kế hoạch và tập luyện cho những vụ tấn công, giống như vụ tấn công ở Thương xá Westgate giết chết 67 người hồi tháng 9 năm 2013.
"Tôi xin trình bày với quí vị một sự thật là trong số những người thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Westgate, có vài người đã bị truy ra – hoặc thông qua những cuộc gọi điện thoại hoặc thông qua những đầu mối liên lạc tình báo, là có dính líu tới trại tị nạn ở Dadaab."
Ông Mummoh Nzau, một chuyên gia an ninh ở Kenya, đồng ý là những trại tị nạn này tạo ra một mối đe dọa an ninh, nhưng ông cho rằng cần phải áp dụng một cách thức thận trọng hơn để giải quyết vấn đề.
"Họ bị những phần tử khủng bố trà trộn, nhưng nó không cao tới mức độ cứ hai người tị nạn là có một phần tử khủng bố, và do đó, có một điều rất quan trọng là phải thực hiện rất nhiều hoạt động tham vấn và phải cẩn thận để những người vô tội không bị tổn hại trong tiến trình này."
Ông Nzau tin rằng một trong các giải pháp là dời các trại tị nạn tới những nơi khác.
"Họ có thể đưa những người tị nạn vào ngay bên trong lãnh thổ Somalia, nhưng với một cách thức có thể bảo đảm an toàn cho người tị nạn và để cho các cơ quan tị nạn quốc tế và những cơ quan cứu trợ khác có thể đến giúp những người tị nạn này."
Kenya đã tiếp nhận người tị nạn trong gần 25 năm qua. Họ nhiều lần doạ đóng cửa các trại tị nạn, với những lần gần đây nhất là vào năm ngoái và năm 2013, nhưng những lời đe dọa đó đã không được thực hiện.
Kenya đang chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử vào năm tới, và theo ông Simpson của Human Rights Watch, các chính khách thường đề cập tới vấn đề người tị nạn trong các cuộc vận động bầu cử.
"Chúng tôi hy vọng là chuyện này chỉ là những làn hơi nóng bốc ra trước cuộc bầu cử, nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem."
Phát ngôn viên Njoka của Bộ Nội vụ nói rằng thời điểm đưa ra loan báo về việc đóng cửa trại tị nạn không dính líu gì tới các cuộc bầu cử.
Bất kể là có liên quan tới các cuộc bầu cử hay không, những nhân viên cứu trợ, như bà Liesbeth Aelbrecht của Hội y Sĩ Không Biên Giới, muốn chính phủ tiếp tục mở cửa các trại này để phục vụ cho những người tị nạn.
"Chúng tôi rất mong là họ sẽ xem xét lại quyết định này."
Chính phủ Kenya nói rằng tiến trình hồi hương tự nguyện, được nêu rõ trong một thoả thuận được chính phủ Kenya và chính phủ Somalia ký kết năm 2013, đã diễn ra một cách quá chậm chạp.
Giới hữu trách ở Nairobi cho biết họ đã giải thể Bộ Sự vụ Tị nạn. Hiện chưa rõ các trại tị nạn có bị đóng hay không và nếu có thì khi nào.