Nới tay một chút, chúng là trẻ con!

Hình minh họa. Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)

Tuần này, 28.710 ngôi trường từ mẫu giáo đến phổ thông trung học ở Việt Nam đã tổ chức khai giảng, chính thức bước vào niên khóa mới. Gọi là chính thức vì nhiều đứa trẻ trong số gần 17 triệu đứa trẻ tại Việt Nam đã phải giã biệt mùa hè, quay lại trường từ giữa tháng trước.

Giống như mọi năm, hệ thống truyền thông chính thống tại Việt Nam lại tràn ngập tin, bài, hình ảnh liên quan tới chuyện các viên chức hữu trách từ trung ương tới địa phương chia nhau tham dự các lễ khai giảng ở khắp nơi. Chẳng hạn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội từ Hà Nội vào Sài Gòn dự lễ khai giảng của trường cấp ba Lê Hồng Phong. Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước thì đến tham dự lễ khai giảng của trường cấp ba Chu Văn An ở Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng thì vào tận huyện Tu Mơ Rông dự lễ khai giảng của trường cấp ba dành cho trẻ con thiểu số của tỉnh Kon Tum

Cũng giống mọi năm, trẻ con lại xếp hàng đón tiếp các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đủ cấp tại Việt Nam hạ cố đến dự lễ khai giảng niên khóa mới cùng với chúng, rồi phơi nắng để nghe đủ loại huấn thị mà lời lẽ thì năm nào cũng giống năm nào, tuy được thêm cánh, thậm chí gắn cả động cơ nhưng những lời lẽ, ý tưởng ấy vẫn chỉ là là mặt đất. Dường như vì lễ khai giảng ở đâu, năm nào cũng chỉ như thế nên có cơ quan truyền thông như báo điện tử Dân Việt, bày ra – tặng luôn ba mẫu bài phát biểu dành cho ba giới: Lãnh đạo, Hiệu trưởng, Học sinh,… mà tờ báo này khẳng định là… “không thể thiếu trong dịp khai giảng năm học 2018 – 2019”.

Và tất nhiên, giống như vài năm gần đây, nhiều người lớn lại bày tỏ suy nghĩ của họ về hoạt động khai giảng niên khóa mới tại Việt Nam, trong số này có những facebooker như Chanh Tam đề nghị các Hội Phụ huynh học sinh sử dụng quyền lực của mình, yêu cầu các trường, các viên chức bước vào khuôn viên các cơ sở giáo dục phải giữ khuôn phép giống như học trò, từng đi học hay có học, khiêm cung... Lối cờ, xe võng lọng, thậm chí tệ trạng vũ trang, ngông nghênh đi lại trong khuôn viên trường học là hình ảnh phản động so với tiến bộ của nhân loại. Nhà trường là một thiết chế đặc biệt, kiểu đặc khu trong cơ chế di truyền xã hội mà văn minh nhân loại từng đạt được. Không đạt được điều đó sẽ phải bỏ công gỡ hay đục bỏ các khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”

Có lẽ không khí tưng bừng, náo nhiệt trong dịp khai giảng niên khóa mới tại Việt Nam khiến Hao Nhien Q. Vu – facebooker là giảng viên Coastline Community College, một đại học cộng đồng ở Nam California – đưa lên facebook tấm ảnh giới thiệu “Lễ Khai giảng ở trường tớ”. Trong ảnh, sân trường vắng hoe, chỏng chơ một dãy bàn được bày bên dưới cái lều dạng dã ngoại, kèm vài tấm bảng nguêch ngoạc những dòng chữ viết tay: “Welcome back”, “Welcome Students…” và Nhiên phải giới thiệu: Ông Trưởng Khoa là người mặc sơ mi đen dài tay, đứng sẵn để chào và bắt tay từng sinh viên. Cô áo trắng là Chuyên viên tư vấn cho sinh viên và đại diện Hội Sinh viên ngồi chờ trong lều để cung cấp thông tin cho bất kỳ sinh viên nào có thắc mắc. Ông mặc áo đen, quần jean là Giám đốc Chương trình Hỗ trợ cựu quân nhân đứng đó để chờ xem có cựu quân nhân nào cần giúp đỡ gì khi quay trở lại môi trường giáo dục hay không... Hao Nhien lưu ý, cây cột trong ảnh là cột cờ nhưng không có chào cờ đọc diễn văn, rồi bỡn cợt: Nhìn ngày khai giảng của “bọn Mỹ”, không có viên chức nào đến “đánh trống khai trường” là biết giáo dục của Mỹ… không bằng Việt Nam!

***

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã chọn 5 tháng 9 hàng năm làm “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và là thời điểm mà các trường trên toàn quốc phải cùng khai giảng năm học mới. Ngay cả những trường đã buộc trẻ con tựu trường từ giữa tháng 8 thì cũng vẫn phải tổ chức “khai giảng” vào ngày 5 tháng 9.

Năm nay, thêm một lần nữa, các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương trình bày sự quan tâm đến giáo dục, phô trương quyết tâm chọn phát triển giáo dục là quốc sách. Sự quan tâm, quyết tâm ấy diễn ra song song với nhiều hình ảnh vốn tràn lan trong thực tế. Có người như Jen Trần chụp – đưa lên facebook cảnh ba đứa trẻ chưa đến mười tuổi, bám hàng rào một ngôi trường ở quận Tân Phú, Sài Gòn xem lễ khai giảng năm học mới. Dẫu “toàn dân đưa trẻ đến trường” nhưng càng ngày, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam càng… lơ đễnh thành ra bỏ lọt, để sót rất nhiều đứa trẻ do cha mẹ quá nghèo mà phải mưu sinh từ tấm bé.

Cũng có nơi như VOV (Đài Phát thanh Quốc gia) giới thiệu một phóng sự ảnh, chụp cảnh “toàn dân” đưa những đứa trẻ cư trú ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, đến trường hôm 5 tháng 9 bằng cách băng rừng, vượt suối suốt năm giờ theo đủ kiểu (có chỗ thì người lớn đưa chúng lên bè rồi níu vào một sợi thừng căng ngang suối, đưa bè sang bờ bên kia, có chỗ thì người lớn đặt đứa trẻ vào bọc nylon, túm đầu bọc nylon cho trẻ khỏi ướt rồi lội qua suối)… Phóng sự ảnh vừa kể khiến nhiều người như Nguyen Tien Hieu phẫn nộ: Các ông, các bà cán bộ hãy nhìn, hãy cảm thấy chua xót để bớt tham, bớt bày vẽ những dự án vớ vẩn như tượng đài, cổng chào... trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Dân chúng chúng tôi không muốn nhìn thấy cảnh này nữa. Các ông, các bà hãy lo cho dân đi. Nhìn cảnh này mà gọi thời đại này là “rực rỡ” sao!

Kêu gọi “các ông, các bà” hữu trách “nhìn”, khuyên họ nên “cảm thấy chua xót” dường như là thừa, những cảnh như vừa kể đã diễn ra suốt nhiều thập niên, ở khắp nơi tại Việt Nam. Chắc chắn “các ông, các bà” ấy đã thấy và không “cảm thấy chua xót” chút nào cả. Thôi thì các ông, các bà cũng có con, có cháu, cũng biết trẻ con vô tội, cuộc đời của chúng còn dài, dài hơn người lớn nhiều, thành ra lúc vạch đường lối, hoạch định chủ trương, soạn thảo nghị quyết này, thực thi kế hoạch kia, xin các ông, các bà dành một chút cho trẻ con, tha được chuyện gì cho chúng thì nên tha.