Các ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank, chỉ hoạt động ở nước Mỹ, không thuộc hạng lớn; Credit Suisse ở Thụy Sĩ, một ngân hàng quốc tế, mới là “anh chị bự.” Nhưng cả ba đều lần lượt phá sản; phải được ngân hàng trung ương đứng ra cứu.
Ngân hàng Silicon Valley mới hoạt động 40 năm, tổng số tài sản $209 tỷ đô la. Credit Suisse là một trong 30 ngân hàng lớn trên thế giới, đã 167 tuổi, với 50,000 nhân viên, 150 cơ sở tại 50 quốc gia, tài sản trị giá 1.3 ngàn tỷ đồng francs Thụy Sĩ, khoảng $1.4 ngàn tỷ đô la.
Silicon Valley Bank (SVB) sập rất nhanh, trong vòng 40 giờ, sau khi bị các thân chủ rút tiền ký thác, $42 tỷ mỹ kim trong một ngày. Credit Suisse đi xuống từ từ, năm 2021 bị lỗ lã 7.29 tỷ francs vì đầu tư thất bại. Trong một năm qua, cổ phần Credit Suisse giảm giá 75% trong khi ban giám đốc được thay đổi liên tiếp. Trong ba tháng cuối năm ngoái, các thân chủ rút tiền ra, tổng cộng 110 tỷ đồng francs, bằng $119 tỷ đô la. Năm ngày sau khi SVB phá sản, giá cổ phiếu Credit Suisse tụt mất 24%; ngày hôm sau phải nhờ Ngân Hàng Trung Ương Thụy Sĩ ký thác $54 tỷ mỹ kim để giữ ổn định. Cuối cùng UBS, một ngân hàng Thụy Sĩ lớn khác, đứng ra mua Credit Suisse. SVB chưa có ai mua.
Sau vụ SVB, công chúng mất lòng tin, nhiều ngân hàng nhỏ hay nhỡ nhỡ cũng đứng trên bờ vực phá sản. Trong vòng một tháng, giá trị cổ phiếu của tất cả các ngân hàng ở Mỹ bị giảm $229 tỷ đô la mất 17%. Cổ phiếu của First Republic tụt 87%. Trị giá của PacWest Bancorp, ngân hàng đứng hàng thứ 53 với tài sản $41 mỹ kim, giảm 49%. Trong năm 2020 có 4 ngân hàng nhỏ phá sản; đầu tháng Ba, Silvergate Bank bị giải tán; trong hai năm 2021, 22 không có vụ nào.
Khi nào các ngân hàng bị phá sản?
Giống như những cơ sở kinh doanh vay nợ để làm ăn kiếm lời, khi bị các chủ nợ tới đòi mà không đủ tiền trả thì phải tuyên bố phá sản.
Chủ nợ quan trọng nhất của các ngân hàng là các “chủ tài khoản,” những người gửi tiền cho ngân hàng giữ hộ. Ngân hàng đem số tiền đó đầu tư sinh lời. Họ để dành một số tiền mặt nho nhỏ, vừa đủ trả cho các thân chủ đến rút tiền ra. Thường thì ít khi ngân hàng bị rút những món tiền lớn hoặc nhiều người rút trong cùng một thời gian ngắn. Khi một người ký ngân phiếu trả tiền cho ai, người nhận cũng ký thác ngân phiếu trong ngân hàng; tiền chỉ chuyển qua lại giữa các tài khoản trong một ngân hàng, hay giữa các ngân hàng với nhau, chứ không chạy ra ngoài.
Cả hệ thống ngân hàng dựa trên niềm tin. Các thân chủ gửi tiền tin rằng nếu mình ký ngân phiếu cho ai, ngân hàng sẽ thanh toán. Nếu mất niềm tin, họ sẽ rút tiền ra; số tiền rút nhiều quá sẽ khiến ngân hàng phá sản. Luật lệ tài chánh ở các quốc gia đều nhắm bảo vệ niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Khi vụ SVB xảy ra, người ta mới thấy luật lệ ngân hàng của nước Mỹ còn nhiều khe hở, cần điều chỉnh lại.
Một khe hở đưa tới vụ SVB là điều luật về việc điều chỉnh trong sổ sách kế toán khi các khoản đầu tư của ngân hàng mất giá trị trên thị trường.
Trên nguyên tắc, tài sản của mỗi ngân hàng phải lớn bằng tổng cộng các món nợ, bảo đảm thanh toán được số tiền do công chúng ký thác. Nếu thấy tài sản của ngân hàng giảm xuống, họ sẽ phải tăng tiền vốn lên để có thêm tiền mặt bù đắp vào, số tiền mặt dự trữ cũng tăng để tránh rủi ro. Tất cả các ngân hàng ở Mỹ phải theo luật lệ như vậy, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007- 2008.
Một thứ tài sản dễ bị mất giá khi lãi suất tăng là các công khố phiếu do Bộ Tài Chánh phát hành, tức là chính phủ vay nợ của dân Mỹ. Những công trái đó trong hàng chục năm trước đây, chỉ trả lãi suất rất thấp, vì lúc đó tất cả các lãi suất đều thấp. Trong năm qua, Quỹ Dự Trữ Liên Bang đã tăng lãi suất nhiều lần để ngăn ngừa lạm phát, lần cuối cùng ngày Thứ Tư 22 tháng 3 vẫn tăng thêm 0.25%.
Một hệ quả của việc tăng lãi suất là các công khố phiếu giảm giá. Một công trái với “mệnh giá” $1,000 đô la chỉ trả lãi suất 1% hay 2%, bây giờ sẽ không thể bán lấy lại $1,000 đô la. Vì người có tiền biết rằng khi cho chỗ khác vay họ sẽ được trả lãi nhiều hơn. Người bán chỉ hy vọng thâu về $995 đô la tiền mặt theo giá thị trường thôi; công khố phiếu tụt giá $5.
Một ngân hàng có một tỷ đô la công khố phiếu, nếu đem bán sẽ chỉ còn giá trị $995 triệu. Nhưng nếu họ vẫn giữ mà không bán, thì trên sổ sách kế toán vẫn ghi tài sản giá một tỷ. Trị giá của tài sản, trên thị trường, đã mất $5 triệu, chỉ là “lỗ lã trên giấy” mà thôi. Vì tài sản được coi như còn nguyên giá trị, ngân hàng không bị bắt buộc phải tăng vốn, không cần tăng số tiền mặt dự trữ. Nhưng trong thực tế, khi ngân hàng cần tiền phải bán các công khố phiếu, lúc đó mới thấy tài sản của họ đã giảm.
Ngân Hàng Trung Ương biết như vậy, đã có biện pháp đề phòng. Theo luật lệ, các ngân hàng vẫn phải công nhận những khoản “lỗ lã trên giấy,” tức là số chênh lệch giữa giá trị tài sản ghi trong sổ so với “giá trị thật” trên thị trường. Nếu tài sản “thật” mất giá trị nhiều, ngân hàng phải tăng vốn để thêm tiền mặt, giữ cân bằng giữa tài sản với các khoản nợ. Biện pháp này nhằm bảo vệ công chúng, những người gửi tiền trong ngân hàng.
Nhưng từ năm 2018, các ngân hàng nhỏ và hạng trung ở Mỹ đã “vận động hành lang” (lobby) với quốc hội cho họ được miễn, không cần theo đúng điều luật trên. Họ nói rằng các ngân hàng nhỏ có phá sản cũng không gây đổ vỡ cho cả hệ thống, như các nhà băng đại bàng! Chiến dịch vận động của họ tốn $50 triệu mỹ kim; nhưng đáng tiền. Quốc hội Mỹ, cả hai đảng trong hai viện, nghe bùi tai, đã chấp nhận sửa luật lệ, không bắt buộc các ngân hàng nhỏ phải điều chỉnh giá trị tài sản theo giá trị thị trường nữa, mà vẫn được khai theo giá ghi trong sổ. Nhưng một phần ba tài sản của tất cả các ngân hàng ở Mỹ nằm trong các ngân hàng nhỏ hơn SVB. Chỉ cần vài ngân hàng trong số đó tan vỡ vì làm ẩu thì hậu quả lan rộng cũng không khác gì một ngân hàng lớn.
Hậu quả trước mắt là vụ Silicon Valley Bank. Ngân hàng này đã được các nhà đầu tư trong thung lũng điện tử gửi rất nhiều tiền trong những năm 2020, 2021. Có tiền, SVB đã đầu tư vào trái phiếu của chính phủ; số công khố phiếu tăng từ $27 tỷ đầu năm 2020 lên $128 tỷ vào cuối năm 2021. Lãi suất trên các công khố phiếu mà SVB đem bán chỉ trả lãi suất trung bình 1.75% trong khi lãi suất thấp nhất do Fed ấn định lên tới 4.75%. Từ năm ngoái khi lãi suất bắt đầu tăng, số tiền “lỗ lã trên giấy” trong cả nước cũng tăng thêm $17 tỷ đô la. Khi cần bán trái phiếu, những “lỗ lã trên giấy” biến thành lỗ lã thật.
Ngày 9 tháng 3, 2023, SVB bán công trái được $21 tỷ, bị lỗ $1.8 tỷ. Những người gửi tiền mất niềm tin. Trong một ngày, họ rút ra $42 tỷ! Ngân hàng công bố dự án bán cổ phần để gây vốn $1.75 tỷ nhưng chưa kịp làm thì đã hết tiền. Ngay lập tức, Công ty Bảo hiểm Tiền Ký thác (Federal Deposit Insurance Corporation, FDIC) của chính phủ phải đứng ra quản trị những gì còn lại của Silicon Valley Bank.
Để tránh cảnh chủ tài khoản ở các ngân hàng khác cũng hoảng hốt rút tiền, FDIC đã cam kết sẽ thanh toán nguyên vẹn tất cả các tài khoản, dù cao hơn giới hạn $250,000 như luật ấn định. Đó là một giải pháp “bất thường,” nhưng có hiệu quả. Cuối năm 2022, trong cả nước Mỹ tổng số những tài khoản cao hơn $250,000, tức là không được bảo hiểm, lên tới hơn $151 tỷ. Nếu chủ nhân những tài khoản không bảo hiểm lo lắng họ sẽ mất tiền nếu ngân hàng sập tiệm, thì họ sẽ lo rút ra trước! Đó chính là lý do khiến SVB bị rút $42 tỷ trong một ngày!
Quỹ Dự Trữ Liên Bang cũng “ngộ biến tùng quyền” với một giải pháp “bất thường” khác. Fed sẽ mua lại tất cả các công khố phiếu của SVB, trả nguyên bằng “mệnh giá.” Tức trái phiếu $1,000 đô la vẫn được trả $1,000 đô la! Mua như vậy, thực sự Fed không bị thiệt thòi gì cả. Vì họ sẽ giữ các công khố phiếu đó cho đến ngày đáo hạn, khi đó trái phiếu $1,000 đô la vẫn được hoàn trả $1,000 đô la! Fed cũng hứa hẹn sẽ áp dụng như vậy với các ngân hàng khác nếu phá sản.
Theo FDIC, trong tất cả các ngân hàng ở Mỹ hiện nay, tổng cộng số tiền “lỗ lã trên giấy” là $620 tỷ. Lãi suất còn tăng thì tiền “lỗ lã trên giấy” cũng sẽ tăng theo. Nếu không có những biện pháp bất thường trên thì nước Mỹ có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn không thua gì hồi 2007-2008! Nhưng muốn tránh các vụ SVB trong tương lai, quốc hội sẽ phải sửa luật một lần nữa!