Vào lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chuẩn bị trở lại Vienna để dự một vòng đàm phán nữa về chương trình hạt nhân của Iran, Hoa Kỳ nói vẫn còn hy vọng đạt được một thỏa thuân toàn diện trước kỳ hạn thứ hai. Một giới chức cấp cao trong chính quyền Obama hôm qua thừa nhận rằng sẽ khó, nhưng không phải là không thể, đạt được thỏa thuận trước ngày 24 tháng 11. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jeff Rathke cho biết ông Kerry sẽ trở lại Vienna vào cuối tuần này để tham gia các cuộc đàm phán gọi là P5+1, sẽ nối lại trong tuần này ở cấp chuyên gia. Khi được hỏi về khả năng gia hạn kỳ hạn ngày thứ hai cho thỏa thuận, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Rathke nói:
“Hy vọng của chúng tôi vẫn là tìm cách đạt được một thỏa thuận trước ngày 24 tháng 11. Chúng tôi không nói về việc gia hạn.”
Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cộng với Đức, đã thương thảo về một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, tiếp theo một thỏa thuận tạm thời đạt được hồi tháng 11 năm ngoái.
Một kỳ hạn trước định vào ngày 20 tháng 7 đã không đạt được. Một thỏa thuận như thế sẽ tìm cách xoa dịu những quan ngại về chương trình nguyên tử của Iran nhắm mục đích chế tạo vũ khí trong khi nới lỏng những biện pháp chế tài quốc tế áp đặt cho Iran. Tehran nhấn mạnh rằng chương trình của họ nhắm các mục đích hòa bình.
Ngoại trưởng Kerry đã đến London hôm thứ tư, nơi ông họp với ngoại trưởng Oman Yusuf bin Alawi, người từng làm công tác trung gian với Iran. Sau các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng đây sẽ là một tuần lễ cấp thiết trong các cuộc thương nghị hạt nhân Iran.
“Chúng ta hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận, nhưng chúng tôi không thể đưa ra lời dự đoán nào, mà chúng tôi cũng sẽ không làm như vậy. Điều cần thiết rõ ràng là Iran phải hợp tác với chúng ta trong tất cả mọi nỗ lực có thể được để chứng minh cho thế giới thấy chương trình của họ là hòa bình.”
Những người khác, kể cả Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond, tỏ ra ít lạc quan hơn về việc đáp ứng đúng kỳ hạn ngày thứ hai tới.
Tại Washington, trong cuộc điều trần hôm qua trước Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện, ông Tony Blinken, người được Tổng thống Obama đề cử làm thứ trưởng Ngoại giao, nói rằng dường như khó lòng đáp ứng kỳ hạn đó.
“Ngay lúc này, tôi nghĩ sẽ rất khó để đi đến chỗ chúng ta muốn tới. Không phải là không thể đến được. Nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc liệu Iran có sẵn sàng tiến hành các biện pháp mà họ phải có để thuyết phục chúng ta, để thuyết phục các đối tác của chúng ta rằng chương trình của họ sẽ hoàn toàn nhắm vào các mục đích hòa bình. Trong khi chúng ta nói chuyện, thì chúng ta chưa đến được chỗ đó. Ngoại trưởng sẵn sàng đích thân và trực tiếp tiếp xúc nếu chúng ta có đủ điều kiện để đưa chuyện này vượt qua đường đích, nhưng quả thực đây là một vấn đề từng phút, từng giờ.”
Ông Blinken tìm cách trấn an các nhà lập pháp rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận xấu.
“Bất kỳ thỏa thuận nào chúng ta đạt được phải thực sự cắt đứt các đường đi của Iran tiến tới một quả bom hạt nhân. thỏa thuận đó phải có liên hệ đến cơ sở lò phản ứng hạt nhân Arak và khả năng của Iran khai triển một vũ khí thông qua con đường plutonium. Nó phải liên hệ tới nhà máy tinh chế hạt nhân Fordow, cơ sở ngầm dưới mặt đất, trước khi có thỏa thuận tạm thời, đã sản xuất uranium với độ tinh khiết 20 phần trăm. Nó phải liên hệ tới cơ sở tinh chế chính Natanz, và một nỗ lực tích luỹ một số lớn các máy ly tâm, và một kho dự trữ lớn, và có khả năng sản xuất rất nhanh chất liệu cho một quả bom. Và nó phải liên hệ một cách càng hữu hiệu càng tốt với khả năng của một chương trình bí mật bằng cách tiến hành một cuộc thanh tra chưa từng có từ trước đến này, cùng một chế độ tiếp cận. Và sau đó, chúng ta cũng còn phải ứng phó với các mức độ quân sự mà chương trình có thể có với các phi đạn và phần chế tài mà chúng ta đã đề cập đến trước đây.”
Chuyên gia phân tích về Iran Shahram Akbarzedeh của trường đại học Deakin ở Australia nói những biện pháp chế tài quốc tế làm áp lực đòi Iran phải minh bạch hơn đã gây phương hại cho nền kinh tế Iran và đưa đến tình trạng lạm phát cao và nạn khan hiếm hàng hoá.
“Rất khó kiếm được thuốc men. Xã hội đang chịu thiệt hại. Tương tự, chế độ Iran nói chung đã tìm cách vượt qua sóng gió và tìm ra những phương sách thay thế để hoạt động và duy trì quyền lực của mình. Do đó, chế tài đang gây thiệt hại cho nền kinh tế, nhưng nó không làm suy yếu sự việc chính phủ nắm quyền kiểm soát đất nước.”
Chính ông cũng không tin rằng có thể đáp ứng được kỳ hạn đạt được thỏa thuận vào ngày thứ hai tới.
“Sự thực của vấn đề là các điều kiện mà Hoa Kỳ áp đặt lên chính quyền Iran, đó là việc cắt giảm nghiêm trọng các căn cứ máy ly tâm ở Iran được coi như hoàn toàn vô lý. Và có nhiều nhà bình luận thân cận với Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei ở Iran đã nói rằng đó là điều không thể chấp nhận được. Do đó, tôi nghĩ có nhiều phần chắc sẽ không đạt được một thỏa thuận trước ngày thứ hai.”
Ông Abkarzedeh nói kết quả có nhiều phần chắc nhất là kỳ hạn ngày thứ hai sẽ được gia hạn, nhưng việc ấy sẽ gây khó khăn cho việc đạt được một thỏa thuận. Ông nói mọi sự trì hoãn sẽ đem lại cho những người chống đối một thỏa thuận ở cả Hoa Kỳ và Iran thời giờ để phá hoại thỏa thuận đó.