Một dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với mức chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở tỉnh Sơn La, Việt Nam, đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong vài ngày qua. Những phản ứng của công chúng đã có tác động đến giới lãnh đạo liên quan đến dự án này.
Công trình ‘Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc’ đã được thông qua ở tỉnh Sơn La có tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10 tới bao gồm các hạng mục như đền thờ Hồ Chí Minh với tượng đài cao từ 5 – 8 met, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp, quảng trường…
Phát biểu trên báo Dân Trí hôm 4/8, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói “việc xây dựng tượng đài có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, do đó Ban Bí thư đã cho phép xây dựng và xin ý kiến các Bộ, Ban, ngành để thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý”.
Phản đối rầm rộ
Nhưng ngay sau khi báo chí loan tin về việc xây dựng tượng đài, đã có rất nhiều ý kiến phản đối của người dân ở ngay cả trên các phương tiện truyền thông chính thống lẫn các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những sự kiện hiếm hoi mà sự phản đối xuất phát từ cả luồng dư luận có xu hướng ủng hộ chính quyền lẫn luồng dư luận có xu hướng ủng hộ dân chủ.
Con số rút ruột các công trình là thường có tỷ lệ 30 – 33%. Đó là một con số kinh khủng. Nếu xây 1 tỷ thì họ rút khoảng 300 triệu rồi. Mà đây là 1.400 tỷ thì con số họ rút ruột không biết là bao nhiêu nữa?Ông Phạm Minh Hoàng.
Ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh Việt Nam, nói:
“Dân đói, dân khát, dân nghập lụt, mà bỏ tiền ra xây tượng ông Hồ, ông Hồ không vui đâu. Ông không bằng lòng đâu. Nếu mà ông Hồ còn sống, ông ấy sẽ phản đối, sẽ dừng ngay. Bây giờ ông ấy mất rồi thì các con, các cháu ông hãy vì ông, hãy theo ông ấy, hãy thể hiện mình học tập ông ấy mà dừng những cái vô bổ lại”.
Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp đã phản đối công khai dự án xây dựng tượng đài ‘nghìn tỷ’ trên các trang mạng xã hội. Lý do chính yếu mà hầu hết những người phản đối đưa ra là sự lãng phí của công trình trong điều kiện người dân địa phương đang còn rất nghèo đói, thiếu thốn.
Ông Phạm Minh Hoàng, cựu Giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, người đã chụp hình mình với tấm bảng ghi ‘Tôi phản đối dùng 1400 nghìn tỷ xây dựng tượng đài ông Hồ tại Sơn La” và đưa lên mạng xã hội, cho biết dự án lãng phí này đã tạo ra sự phẫn uất ở nhiều người dân nhưng họ không dám nói ra. Bản thân ông cũng thế.
“Không phải ngạc nhiên mà là cực kỳ phẫn uất. Tôi không thể nào tưởng tượng được là họ có thể làm chuyện ấy. Cho đến hôm nay, tôi nghĩ là đã có khoảng một trăm tám mươi mấy tượng đài ông ấy rồi, chưa kể những bảo tàng, một số công trình khác, thì tôi thấy số tiền ấy quá lớn. Bây giờ còn xây thêm một tượng đài 1.400 tỷ nữa. 1.400 tỷ xây được rất nhiều thứ. Có thể tưởng tượng là một tượng đài đó tương đương với cây cầu Mỹ Thuận, là cây cầu huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long. Dùng số tiền này như (số tiền) xây một cái cầu vậy thì tôi nghĩ đó là một sự hoang phí ngoài sức tưởng tượng”.
Nhu cầu rất lớn, thì làm gì các quan chức cũng có nhu cầu lớn hết. Nhưng ở tỉnh Sơn La hiện có 36.000 dân đói ăn. Đó là báo cáo tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm đấy. 36.000 dân đói ăn! Tôi tin là 36.000 dân này không đồng ý xây tượng ông Hồ đâu.Cựu chiến binh Phan Tất Thành.
Báo Tiền Phong ngày 23/4/2015 nói theo đánh giá của các nhà quản lý trong buổi hội thảo lấy ý kiến về “Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”, thì ‘nhu cầu nhân dân các tỉnh thành muốn xây dựng tượng đài Bác vẫn rất lớn, nên Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quy hoạch đến năm 2030’. Phát biểu về nhận định này, ông Thành nói:
“Nhu cầu của ai chứ? Nhu cầu của các quan chức. Nhu cầu rất lớn, thì làm gì các quan chức cũng có nhu cầu lớn hết. Nhưng ở tỉnh Sơn La hiện có 36.000 dân đói ăn. Đó là báo cáo tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm đấy. 36.000 dân đói ăn! Tôi tin là 36.000 dân này không đồng ý xây tượng ông Hồ đâu”.
Chuyện 'lại quả'
Một trong những ý kiến phổ biến mà dư luận cho là nguyên cớ sâu xa của dự án tượng đài cũng như nhiều công trình khác là vấn đề ‘lại quả’ hay ‘rút ruột’ dự án. Ông Hoàng cho biết:
“Lúc tôi hỏi ý kiến của người xung quanh, họ bảo ‘Nếu không xây thì họ lấy gì mà ăn?’. Con số rút ruột các công trình là thường có tỷ lệ 30 – 33%. Đó là một con số kinh khủng. Nếu xây 1 tỷ thì họ rút khoảng 300 triệu rồi. Mà đây là 1.400 tỷ thì con số họ rút ruột không biết là bao nhiêu nữa?!”.
Cựu chiến binh Phan Tất Thành cũng thừa nhận chuyện ‘lại quả’ này đã trở thành “luật bất thành văn” trong các công trình.
“Cái này thì phải hỏi ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông. Chứ còn luật bất thành văn ở cái đất nước này, mà người ta đang tìm mọi cách, người ta muốn lắm, muốn xóa đi lắm, muốn bỏ đi lắm nhưng không thể bỏ được là cái “lại quả”. Những công trình công ích, công trình giao thông, công trình này nọ thì thường bị thất thoát khoảng 25 – 30%, đó là tôi nói một tỷ số khiêm tốn đấy, là bị “lại quả”. Cái mà ở hiện trường chỉ có khoảng độ 70% là tốt lắm rồi”.
Ông Thành nói chuyện ‘lại quả’ này là một vấn nạn lớn.
“Nhưng có điều thế này, ở Việt Nam, có những điều mà ai cũng biết. (Nhưng) nói ra thì lại hỏi: ‘Chứng cứ đâu?’. Thì chịu! Chứng cứ đâu? Thỉnh thoảng thử bắt vài ông thật nòng cốt vào thì nó lòi ra chứng cứ thôi”.
Khó nuốt?
Với quá nhiều ý kiến phản đối từ công luận trong vài ngày qua, hôm 5/8, báo Việt Nam Net đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư đề án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh.
Một cư dân mạng tên Chuong Phan nhận định về tin này là: “Cùng nhau nuốt khó trôi”.
Cũng trong ngày 5/8, VTC trích lời ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đính chính rằng “Không có chuyện xây dựng tượng đài lên tới 1.400 tỷ đồng”. Ông Minh nói với VTC rằng những ý kiến nêu như thế là không hiểu sự việc vì mức chi phí trên dành cho nhiều công việc khác nhau của dự án. Ông cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dự án này trước đó và ông sẽ gửi báo cáo cho thủ tướng theo yêu cầu mới nhất.
Your browser doesn’t support HTML5