Phong trào chống mậu dịch tự do ở châu Âu đã phát triển mạnh hơn trong năm qua. Phong trào này đã huy động hàng trăm ngàn người dân ở các nước như Đức, Áo và Bỉ, khiến cho các thỏa thuận thương mại tự do trở thành chủ đề rất nhạy cảm ở cả hai bờ Đại Tây Dương, gây trở ngại cho triển vọng sớm phê chuẩn thỏa thuận Hiệp Định Thương Mại Mỹ-EU.
Hiệp Định Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương, gọi tắt là T-TIP giữa Liên minh châu Âu và Mỹ đã ở trong giai đoạn thương thuyết từ năm 2013, và vòng đàm phán thứ 15 sẽ bắt đầu vào tuần tới. Các cuộc đàm phán giữa EU và Canada về Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) cũng đã được xúc tiến trong bảy năm qua.
Các chính trị gia nói các thỏa thuận thương mại rất quan trọng để phát triển kinh tế, tăng xuất khẩu và tạo ra việc làm.
Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt là ở châu Âu. Nhưng ngay cả những người được các nhà hoạch định chính sách cho là sẽ được hưởng lợi như các chủ doanh nghiệp địa phương, cũng lên tiếng phản đối các thỏa thuận thương mại.
Những mối lo về thực phẩm biến đổi gien, việc bảo vệ môi trường hay các tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn đối với các sản phẩm tiêu dùng đã khiến hàng trăm ngàn người dân ở Đức, Áo và Bỉ biểu tình phản đối các cuộc đàm phán đang diễn ra trong những tuần gần đây.