Chắc chắn dân chúng các quốc gia văn minh không thể tưởng tượng được rằng đã sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21 mà vẫn còn những tình huống như sĩ quan quân đội kháng cự lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật dân sự dù rõ ràng anh ta “say rượu lái xe”. Khi phương tiện của sĩ quan quân đội này bị tạm giữ thì phát sinh thêm tình huống các sĩ quan, binh sĩ cùng đơn vị đổ đến “giải cứu”. Do “giải cứu” bất thành, cay cú vì không thể đòi lại... “tang vật”, viên đồn trưởng đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển sang bao vây, đòi những cá nhân đang bảo vệ và thực thi pháp luật... “xuất trình giấy tờ” vì hiện diện trong khu vực thuộc... phạm vi kiểm soát của đơn vị quân đội! Cuối cùng, các thành viên của lực lượng bảo vệ trật tự, trị an và lực lượng quốc phòng xoay qua thóa mạ, hăm dọa lẫn nhau, bất kể dân chúng xúm vào ghi hình và sự kiện sẽ lan truyền như vết dầu loang...
Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là điều đáng bận tâm nhất. Điều đáng bận tâm nhất là dường như cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương đều xem sự kiện này là... bình thường. Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Quốc phòng, Công an Quảng Trị, Bộ Công an im lặng. Chính quyền tỉnh Quảng Trị, chính phủ cũng không thèm bận tâm. Nơi duy nhất lên tiếng là chính quyền huyện Triệu Phong và có thể cũng vì cho rằng đó chỉ là... “chuyện” nhỏ nên Chủ tịch huyện bảo với công chúng rằng: Sau đợt... nghỉ lễ (30 tháng 4 và 1 tháng 5) mới làm rõ. Cứ như nhận định của viên Chủ tịch huyện thì: Chắc có sự hiểu nhầm. Chuyện tuần tra, kiểm soát đúng hay sai thuộc ngành dọc (công an và biên phòng). Phía huyện đã giao cho hai đơn vị làm việc với nhau để giải quyết vụ việc, thông tin rõ ràng, tránh sự hiểu nhầm (1).
Những người Việt đang cư trú bên ngoài Việt Nam (bao gồm những người chỉ tạm trú để làm việc hay học hành) đều có thể trả lời về việc, ở quốc gia họ đang cư trú, nếu xảy ra sự kiện như vừa xảy ra cách nay mươi ngày ở Triệu Phong - Quảng Trị thì sự kiện ấy có được xem là... “bình thường” hay không (?). Những viên chức lãnh đạo các lực lượng bảo vệ trật tự trị an và quốc phòng, kể cả chính phủ có thể gạt loại sự kiện ấy qua một bên, không bận tâm điều tra và chẳng thèm giải trình vì... “không đáng” hay không (?)... Câu trả lời chắc chắn sẽ là KHÔNG do hai lẽ: Dân chúng những xứ khác không bao giờ chấp nhận những biểu hiện càn rỡ khó tưởng như thế. Nếu lờ đi, các tổ chức chính trị đối lập với đảng cầm quyền sẽ biến đảng cầm quyền thành mục tiêu cho búa rìu dư luận, đảng cầm quyền khó mà có thể giữ thế đa số để tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ sau.
Chỉ ở Việt Nam – nơi phủ nhận đa nguyên chính trị (tức là sự đa dạng về ý thức hệ) và triệt tiêu đa đảng mới có tình trạng địa phương này, ngành kia trở thành những lãnh địa bất khả xâm phạm, kẻ đứng đầu – dẫu chỉ là đồn trưởng biên phòng – vẫn có thể hành xử như lãnh chúa. Lãnh chúa – lãnh địa xuất hiện và tồn tại khắp nơi do dân chúng không có quyền đánh giá, lựa chọn bất kỳ tổ chức chính trị nào khác. Khi đảng CSVN không phải cạnh tranh về quyền lực thì tất cả những phát ngôn, hành xử càn rỡ, tùy tiện đều có thể biến thành... “bình thường”, hay... “chuyện nhỏ”, trừ những phát ngôn, hành xử đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN. Sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN đã tạo điều kiện cho CAND, QĐND có thể “tự tung, tự tác” như đã biết và đang thấy. Cho nên CAND mới giương cao khẩu hiệu... “còn đảng, còn mình” và QĐND giữ vững lời thề... “trung thành tuyệt đối” và bảo vệ đảng CSVN đến cùng!
Chẳng riêng... “lực lượng vũ trang nhân dân” tùy tiện, càn rỡ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp cũng tùy tiện, càn rỡ y hệt như thế. Cách nay ít ngày, thiên hạ được xem một video clip, ghi lại phát biểu của ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu tại “Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bạc Liêu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025”. Theo ông Thiều, muốn “kích cầu du lịch”, các cơ quan hữu trách như công an, văn hóa phải dỡ bỏ hạn chế về giờ hoạt động của nhà hàng, quán xá (hiện là 23 giờ tối) để mọi người có thể “chơi cho đã”. Ông Thiều còn yêu cầu công an ngưng túc trực trước các quán nhậu để phạt những người “say rượu lái xe” vì làm như thế là... “gây thiệt hại cho kinh tế và du lịch địa phương” trong khi... “say rượu lái xe” thuộc phạm trù... “hồn ai nấy giữ” (2).
Xin lưu ý, “say rượu lái xe” là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trở thành vấn nạn nghiêm trọng kéo dài đã vài thập niên tại Việt Nam. Năm 2019, Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật “phòng chống tác hại của rượu bia”, song song với đạo luật có hiệu lực từ năm 2020 này, chính phủ Việt Nam ban hành một nghị định (100/2019/NĐ-CP) nhằm hướng dẫn thực thi bài trừ tệ nạn “say rượu lái xe”. Theo thời gian, các biện pháp (trong đó có chuyện cử công an “canh” trước các nhà hàng, quán nhậu) cũng như mức phạt “say rượu lái xe” càng ngày càng nghiêm nhặt. Khi phát biểu như vừa trích dẫn, rõ ràng Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu không thèm bận tâm đến các quy định pháp luật cũng như nỗ lực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Chính “nhà nước XHCN” và “pháp chế XHCN” tạo ra những viên chức chỉ đạo tùy tiện, càn rỡ như ông Thiều! Chuyện chưa ngừng ở đó, sự tùy tiện, càn rỡ ấy thể hiện cả trong công an - lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật và nay đang ngăn ngừa tệ nạn “say rượu lái xe”. Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có quy định về nồng độ cồn trong máu (Quyết định 320/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 23/1/2014) và chấp nhận hơi thở có thể có nồng đồ cồn ở mức nhất định do sự chuyển hóa của đồ ăn, thức uống trong cơ thể (cồn tự nhiên). Tuy nhiên CAND không thừa nhận Quyết định 320/QĐ-BYT, không chấp nhận “cồn tự nhiên”, ai cũng có thể bị phạt nếu lúc được yêu cầu thử nồng đồ cồn trong máu, ống thử xác định hơi thở có... cồn (3). Đây cũng là lý do không ít người... hoan hô ông Phạm Văn Thiều (4).
***
Song song với việc giương cao khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, xác định khẩu hiệu này như một loại tuyên ngôn của “nhà nước pháp quyền XHCN”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn khuyến khích viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”. Trong khi chính quyền các quốc gia văn minh vận hành theo phương thức chỉ cho phép viên chức của tất cả các ngành, các cấp “làm những điều được luật pháp cho phép” để ngăn ngừa việc hành xử công quyền tùy tiện, càn rỡ thì tháng trước, Bộ Nội vụ trình chính phủ Việt Nam dự thảo “Nghị định Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Thay vì điều chỉnh các quy phạm pháp luật sao cho hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì tại Việt Nam, viên chức của các hệ thống này được khuyến khích “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”, thậm chí còn muốn lập quy để muốn làm gì thì cứ... thử trở thành... tiêu chí trong hành xử công quyền. Với dự thảo nghị định vừa kể, nếu dám... vượt qua hàng rào các quy phạm pháp luật, các viên chức sẽ được... “bảo vệ” (5), được... “tuyên dương, khen thưởng” và được... “ưu tiên bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp” (6)! Những hệ thống không có khả năng tự điều chỉnh đã vậy lại còn cương quyết chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” – vốn là động lực tiến hóa, phát triển – sẽ đưa xứ sở và dân tộc mà các hệ thống ấy “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” đến đâu ngoài sự hỗn loạn?
Chú thích
(2) https://www.tiktok.com/@vtvcab.tintuc/video/7227502648189144322
(5) https://vnexpress.net/bo-noi-vu-de-xuat-can-bo-dam-nghi-dam-lam-duoc-mien-ky-luat-4585334.html
(6) https://thanhnien.vn/can-bo-dam-nghi-dam-lam-co-the-duoc-bo-nhiem-vuot-cap-185230327120610693.htm